Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Hay nhở??

Phần nhận xét hiển thị trên trang


CÔNG TY TƯ VẤN, CHẾ TẠO, SẢN XUẤT... THƠ

Thấy dân làng hàng xóm thành lập hết công ty nọ đến công ty kia, ra đời bao nhiêu giám đốc, lão Choẽ sốt ruột lắm. Tiềm lực như nhà lão mà lại thua mọi người nó ư? Lão nông chi điền dày dạn kinh nghiệm như thế thế mà mà lại bó tay trước cơ chế mới này ư? Không được. Không thể chấp nhận được. Phải thay đổi ngay cách làm ăn không thì tụt hậu là cái chắc! Lão Choẽ quyết định mở cuộc họp gia đình để bàn về vấn đề này.
Cuộc họp khẩn cấp, bí mật của gia đình lão được tổ chức ngay tối hôm đó. Không ngờ, vấn đề lão đưa ra lại được cu Chụm hưởng ứng tức thì. Học xong lớp 9, chẳng vào được "cấp 3" nó đang không công ăn việc làm giờ tự nhiên có cái chức trưởng phòng công ty chẳng tốt quá rồi còn gì. Cái Choè, chị nó thì nghĩ không biết nên thành lập doanh nghiệp tư nhân hay công ty trách nhiệm hữu hạn. Ông Choẽ nói như đinh đóng cột: "Đã làm là phải làm cái công ty mới oách, doanh nghiệp tư nhân là cái thá gì". Chỉ có bà Chén (vợ ông) là phân vân. Ruộng đồng như thế, đàn bò đang phát đạt như thế, đã có thương hiệu là "Choẽ bò" rồi giờ lại lập cái công ty, công tiếc liệu có tích sự gì không? Bàn thảo mãi, cuối cùng bà cũng phải theo ba bố con ông Choẽ, thiểu số phục tùng đa số nguyên tắc đó bà phải chấp hành. Tên công ty sẽ lấy hai tên vợ chồng ông ghép vào. Lấy các chữ đầu cho nó tây tây. Công ty TNHH ChoChen do ông trực tiếp làm giám đốc, vợ ông làm phó giám đốc, hai đứa con mỗi đứa giữ chân trưởng một phòng, phòng gì sẽ tính sau. Thế là xong phần chủ trương.
Sang phần triển khai kế hoạch cụ thể. Đau đầu nhất là mục này. Công ty TNHH ChoChen sẽ kinh doanh ngành hàng gì? Điện tử? Điện thoại? Xây dựng? Vận tải? Ăn uống... Những cái đó thiên hạ làm hết rồi giờ mình đi sau có mà chết dấp. Giám đốc bóp trán. Phó giám đốc bỏm bẻm nhai trầu cứ như là việc của ai vậy. Hai trưởng phòng loi choi đưa ra hết nghề nọ, ngành kia song giám đốc Choẽ đều lắc.
Đang lúc bí thì bà Chén lên tiếng: "Bố con ông có công nhận với tôi rằng mấy năm nay xuất hiện nhiều người làm thơ, nhiều câu lạc bộ thơ ra đời không?". "Thì vưỡn! Dưng mà thơ phú thì liên quan gì đến công ty?", ông Choẽ không hiểu hỏi lại. Bà Chén vẫn thủng thẳng nhát một: "Có chứ. Liên quan nhiều là cái chắc. Tôi hỏi ông câu nữa nhé: Ông có muốn trở thành "kẻ sĩ", thành "trí thức" không? Có chứ gì. Đó là tâm lý chung. Con đường nhanh nhất để làm được cái đó chỉ có thơ thôi, ông hiểu chưa?".
Giám đốc Choẽ gật gù. Bà này nói có lý. Thì đấy, xóm ông người ta đua nhau làm thơ, thơ có mặt trong hầu hết các hội nghị, các tiệc tùng, đình đám. Cứ có hai người trở lên là thế nào cũng có thơ. Người nào người nấy đều ra vẻ thi sĩ, trí thức lắm. Kính cận, sách dày cộp kè kè bên người, bút cái túi áo ngực sẵn sàng làm thơ, đọc thơ bất cứ lúc nào. Ngay cả ông đây cũng sản xuất được mấy bài làm vốn giao tiếp nữa là. "Nhưng mà... có liên quan gì đến...". Bà Chén cướp lời: "Ông vưỡn không hiểu à? Liên quan quá đi chứ. Ai cũng làm thơ, ai cũng muốn trở thành nghệ sỹ, trí thức thì đấy là đầu ra cho công ty mình đấy".
Ba bố con ông Choẽ vẫn ngơ ngác ngồi. Quái, sao hôm nay bà này lại vòng vo mãi thế nhỉ. Sốt ruột quá, trưởng phòng Chụm giục: "Thôi, mẹ cứ nói toạc móng heo ra ra bố con con nhờ. Bàn chuyện làm ăn mà mẹ cứ rề rà thế này thì mất hết cơ hội rồi còn gì!". Cái Choè cũng phụ vào: Phải đấy mẹ nói ro rõ hơn xem nào!".
Bà Chén vẫn rề rà: "Tôi ít học nhưng được cái chịu đọc. Để chọn được một ngành nghề kinh doanh thì phải hiểu được thị trường. Thị trường cần cái gì thì ta sản xuất cái đó. Doanh nghiệp lại còn phải chọn cách xem sản xuất như thế nào, sản xuất ra bao nhiêu thì phù hợp. Ý tôi nói lúc nãy là quá trình chọn lựa đấy. Này nhé, nhiều người thích trở thành nghệ sỹ, trở thành trí thức mà đua nhau làm thơ, đua nhau in thơ. Đấy là cái thị trường cần. Phải, thị trường bây giờ là Thơ. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn rất cần thơ. Họ vừa là người sản xuất thơ, vừa là người tiêu thụ thơ. Tuy nhiên, ở huyện ta, xã ta người làm cầu nối giữa sản xuất, tiêu dùng thơ đó thì chưa có. Người làm thơ phải về tận tỉnh, lên tận Hà Nội để in thơ. Có người lấy trộm cả tiền bán lợn của vợ mang về Hà Nội để in thơ. Bao nhiêu tiền in thơ đều bị tỉnh và Hà Nội lấy hết. Tại sao ta không đứng ra làm cái khâu này. Mặt khác, nhiều người loay hoay mãi không làm nổi một bài thơ, tại sao ta không tư vấn cho họ".
Không để cho bà Chén nói hết câu, giám đốc Choẽ vỗ đùi đánh đét một cái: "Giỏi! Bà này giỏi! Thế mà bố con tôi không nghĩ ra. Phải thành lập ngay Công ty tư vấn, chế tạo thơ. Ta phải nắm các khâu từ tư vấn đến sản xuất thơ, từ in ấn xuất bản đến phát hành thơ. Phải đưa thơ vào cuộc sống. Thơ là cái đẹp thanh tao, là điều thiêng liêng mà bất cứ ai cũng ngưỡng vọng. Thị trường, đầu ra là đấy chứ còn đâu nữa. Bỏ vốn ra mua lấy dàn vi tính, mấy cái máy phô tô, mời mấy lão hay thơ của xóm góp vốn, góp chất xám vào là được. Phen này, gì chứ công ty ta sẽ sang nhất, danh giá nhất cho mà xem. Công ty tư vấn, chế tạo sản xuất Thơ ChoChen cơ mà! Đố anh nào cạnh tranh được nhá".
Cả nhà ông Choẽ tối đó vui chưa từng có. Hướng làm ăn mới đang mở ra trước mặt. Đêm đó, trong giấc ngủ, mỗi người đều thấy cái công ty của mình hoành tráng, bay bổng trong mơ. Mãi gần sáng, con bò đầu đàn của lão Choẽ rống lên đòi sổ chuồng thì cả ban giám đốc công ty tư vấn chế tạo sản xuất Thơ ChoChen mới bừng tỉnh để bước vào một ngày mới. Mỗi người theo sự phân công của giám đốc Choẽ gấp rút chạy thủ tục lo cho ra đời cái công ty của mình sớm ra đời.

1 nhận xét:

Unknown nói...

Góp cổ phần ví lão Choé nì có lí à nhe, sẳn tiện in mấy bài thơ con nhái mà Ai tư duy sáng tác mí được, Nghe mà mắc ham ghê, còn Anh thì sao? ở đó run đùi, thành lập thêm cái công ty cạnh tranh ví lão Choé rùi cho Ai ké, Anh Em mình làm trùm đi há.