Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Trò chuyện với NQL:

Chuyen phiem voi ong chu chieu ruou Que choa

“Thiếu rượu, 90% nhà văn Việt Nam chẳng viết nổi cái gì!”
Đọc blog của “bọ” có tới 5 cái entry từ “say 1” đến “say 5”, trong đó rượu luôn song hành với các văn sĩ nổi tiếng để cùng tạo ra những bức biếm họa “chẳng giống ai”?
Nguyễn Quang Lập (NQL): Văn nghệ sĩ nhà mình nói chung thường chuộng bia rượu. Hội viết lách càng cần hơn. Tôi nghĩ, tại nhà văn, nhà báo khi viết lách thường phải đối diện với những vấn đề to tát, chữ nghĩa nặng nề. Ngồi chán, đầu óc âm u thì phải tìm chỗ để xả. Nhìn quanh thì thấy chẳng cái gì lý tưởng bằng cốc bia, ly rượu. Vô tình chứng kiến những cuộc nhậu kiểu này, khối người bình thường sẽ thấy ngạc nhiên vì được nghe các nhà văn, nhà báo – vốn thường ngày nghiêm túc, đạo mạo – nói tục như điên. Đối diện với trang giấy đã mệt, giờ nhậu nhẹt cũng phải nói năng lịch sự, tìm từ ngữ diễn đạt cho trang nhã thì khéo bị thần kinh mất.
Hơn nữa, nhà văn, nhà báo luôn có nhu cầu bạn bè rất lớn. Gặp bạn là phải ngồi, ngồi mà không có thứ gia vị cay cay ấy thì biết nói chuyện gì? Mà với dân viết, chuyện nhung nhăng trong chiếu rượu thường nảy ra khối đề tài hay, may mắn hơn thì “thuổng” được khối câu thoại “đắt”, khối chi tiết “độc”. Nói nhỏ nhé, nhất là khi bạn văn đã say quắc cần câu mà mình thì vẫn còn đôi chút tỉnh táo thì “thôi rồi”. Khối người khen tôi sao thằng này thông minh thế! Mấy ai biết, chỉ cần lưu lại những thứ đó trong bộ nhớ, khi đặt bút biết tung vào đúng chỗ, đúng lúc là “ăn” thôi mà.
Nhưng uống đến mức dường như chẳng lúc nào tỉnh thì cũng chẳng hay gì, đúng không anh?
“Không kể mấy năm bị tàn tật, sáng nào tỉnh dậy cũng ân hận sao mình uống nhiều đến thế, thôi từ nay không uống nữa. Nhưng chỉ được nửa ngày quyết tâm rừng rực, nửa sau lại đâu vào đấy. Sáng mai tỉnh dậy, lại ân hận”. Đó chính là tình cảnh của tôi, từ khoảng 25 đến 35 tuổi, học Bách Khoa, đi bộ đội, rồi phục viên và thấy mình hoang mang vì mất phương hướng. Khi nhu cầu rượu chè trở nên quá lớn, uống đã trở thành quen mồm thì người ta sẽ trở nên lãng phí thời gian kinh khủng. Đến giờ tôi vẫn còn thấy tiếc khi nhớ về quãng đời phí phạm đó. Ngày ấy, tôi mới tập tành viết lách lăng nhăng, cũng chẳng nghĩ mình sẽ thành tài. Cứ thấy nhà văn, nhà báo nào mình thinh thích là sà vào, là hầu chuyện ông ấy đến lúc xỉn mới thôi. Thế là triền miên say, say kinh khủng, cứ đều đều mỗi ngày một trận. Bạn bè lắm, anh em yêu quý cũng nhiều. Cứ ai hô nhậu là đi. Đang sốt cao, người đau ê ẩm, miệng rên hừ hừ, vợ phải nấu cháo cho ăn mà nghe Lập ơi là tỉnh như sáo, chân nhảy ngay ra khỏi giường và thấy khỏe khoắn đủ sức tiếp tục… nâng lên đặt xuống. Vợ tôi thường bảo, may anh ra Hà Nội, nếu còn ở lại Quảng Trị khéo chết vì rượu từ lâu rồi.
Lấy vợ rồi mà anh vẫn tiếp tục uống?
Tôi còn uống ác hơn ấy chứ. Ngày lập gia đình, tôi đã 32, đã có tí chút nổi tiếng. Tính tôi ham vui và luôn là chân chạy. Tôi đi loăng quăng suốt, ai rủ rê là sà vào. Mà tôi uống kiểu buồn cười lắm nhé. “Khi mọi người phấn khởi, hồ hởi thì mình uống chưa vào, uể oải nhấp từng ngụm, ăn chẳng muốn ăn, nói không thèm nói. Đến khi mọi người phê rồi thì mình mới lên cơn, nói nói uống uống thành vô duyên”. Rồi say xỉn, rồi vẫn chạy xe được về đến nhà nhưng ngã xuống giường là ngủ ngay, chẳng còn biết trời đất gì. Có nhiều đêm, vợ phải nhờ hàng xóm khiêng tôi vào nhà. Sáng ra, tỉnh rượu, lại lo lắng không biết mình có nói và làm điều gì lố bịch, bậy bạ trong lúc say không. Cũng may, sức khỏe tôi vốn tốt, người rũ ra, nhàu nhò như cái giẻ mà chỉ cần ngủ vài tiếng là lại đâu vào đấy ngay.
Thế rồi từ ngày bị ngã xe, nửa người giờ vẫn còn mang tật, anh có dám tiếp tục đồng hành với rượu?
Bỏ hẳn làm sao được, nhưng giờ phải luôn tự nhắc mình phải uống ít đi. Tuần một lần thôi, chủ yếu vào chiều thứ bảy. Sức khỏe kém đi, tửu lượng giờ cũng kém. Trước vài chục vại bia không nhằm nhò gì, giờ dăm cốc đã thấy mệt mệt. Bạn bè vẫn gọi suốt, nhưng tôi đã biết hạn chế hơn. Chỉ băn khoăn, số mình thế nào mà bao lần say không ngã, lần tỉnh táo hiếm hoi, ngồi đằng sau Vân (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân- nv) thì lại “dính chưởng”. Ông Ngô Minh nói, mày say thì Trời tỉnh, Trời tha. Khi mày tỉnh thì Trời say, Trời có biết mày là thằng nào, Trời hành cho chết . Nghe cũng có lý.
Nghe anh kể chuyện nhậu triền miên, tôi chợt nảy ra thắc mắc, vậy bọ viết lách vào lúc nào nhỉ?
Chẳng biết người khác ra sao, chứ sau mỗi lần rời chiếu rượu, hay trở về từ một chuyến lang bạt dăm ngày, tốc độ làm việc của tôi nhanh kinh khủng, gấp ba bốn lần bình thường. Tôi nghĩ, nhà văn luôn phải đi, phải đảo pha liên tục cho cuộc sống của mình. Đi ở đây là đi chơi, ra vào chỗ bụi bặm, trần ai. Đi để kích thích, mở mang trí óc chứ không phải kiểu đi thực tế khụng khiệng, hình thức đâu nhé. Đi – rượu – say – tỉnh – lại đi. Nhìn đi, nhìn lại, bạn tôi chơi đều là những người uống được cả. Và tôi có thể khẳng định, 90% nhà văn Việt Nam mình, rời rượu ra chẳng viết được cái gì. Mà nếu không biết uống thì chắc chắn, văn cũng nhạt mà thơ cũng nhạt. Hehe.
“Mỗi ngày không nói tục một câu thì nhạt mồm lắm”
Câu nói yêu thích trong blog quê choa xưa kia cũng lại là “tuyên ngôn”rất ấn tượng với độc giả. Nói tục ở đây có nghĩa là…?
Đa phần người ta hiểu câu đó của tôi theo nghĩa tiêu cực. Họ nghĩ, tại tôi nói tục thành thần nên mới phát biểu vậy. Nhưng thực ra ý nghĩa của nó đơn giản chỉ là, ngày nào tôi cũng gặp phải những chuyện bực mình, những điều chướng tai gai mắt. Cáu kỉnh quá thì văng tục một câu cho giải tỏa. Thế thôi. Nhớ có lần tôi đi chơi cùng nhà báo nổi tiếng Xuân Ba. Giữa một đám các em xinh đẹp, chân dài, ông ấy cứ phải gồng mình đạo mạo, nói năng lịch sự đâu ra đấy. Lúc rủ tôi chuồn vào toilet được một lát, ông ấy gào lên văng tục một câu rồi lại đường hoàng đi ra, lại đủ sức tiếp tục là người… thanh lịch!
Lại bàn về chuyện nói tục. Nhiều người, trong đó có khá đông chị em phụ nữ khen Lập “nói tục có duyên”, “nói tục rất giỏi”, nghĩa là nghe câu tục mà không thấy ghê. Tôi thì nghĩ cái tục cũng là một phần tất yếu của cuộc sống, chối bỏ nó hoàn toàn là không nên. Cái tục trong lối viết khẩu văn (theo cách gọi của tôi) mà vì nó, tôi bị khối người bỏ thời gian viết một comment dài thượt mắng mỏ là vô giáo dục, vô văn hóa cũng vậy.
Người ta vẫn nói, trong con người có hai phần: con – người. Người đã tốt thì phần con cũng tốt. Phần ý thức đẹp thì phần vô thức cũng không thể xấu. Với lối khẩu văn, tôi không làm văn nữa mà cố gắng tạo cảm giác như độc giả đang được nghe kể một câu chuyện, cảm giác được cả không khí - giọng điệu lẫn cảm xúc của người kể. Lời văn của tôi được sử dụng như một lát cắt giúp đi thẳng vào tính cách nhân vật. Loại bỏ lối kể lể, diễn đạt tâm trạng, cảm xúc. Bất chấp thể loại văn chương. Khởi đầu tôi cũng hoang mang lắm, chẳng biết làm thế có đúng không. Đều đặn hàng ngày post các entry lên blog là cách tôi đo phản ứng của độc giả. Và tôi mừng vì đa phần họ đều rất thích thú.
“Bọ đang phổ cập hóa giọng miền Trung”
Với những người yêu mến blog của anh, mảnh đất Quảng Bình – Quảng Trị, với những ngôn từ rặt địa phương lạ lẫm – đã dần trở nên quen thuộc và hấp dẫn. Nhiều người bảo, những “ua chầu chầu”, “ẻ vô”… của bọ Lập nghe mãi đâm thành ra nghiện?
Hehe, tôi vẫn đùa với bạn bè là đang cố gắng phổ cập hóa tiếng “bọ” mà. Tôi chọn cách kể bằng ngôn ngữ tượng hình và cả tượng thanh. Có hình ảnh, có âm thanh. Những ngôn ngữ địa phương, khi vang lên trong một ngữ cảnh hợp lý, sẽ rất hấp dẫn. Những nhân vật trong blog của tôi mang đặc thù tính cách người miền Trung. Họ sống thuần chất, không lai căng, giả tạo. Họ yêu – ghét rạch ròi và dám sống đến tận cùng với những tiếng gọi bản năng con người. Đặt vào miệng họ, ngôn ngữ miền Trung ấy trở nên rất thật, rất hay.
Anh đã hoàn tất quá trình phổ cập ấy, bằng cách xuất bản một cuốn sách tập hợp những entry có sức hấp dẫn khó cưỡng của mình mang tựa đề Ký ức vụn. Cuốn ấy cũng ăn khách lắm, anh có biết không?
Tôi vui vì được nhiều người đọc yêu mến và ủng hộ. Họ yêu lối “khẩu văn” dân dã, và họ yêu tôi. Tiểu thuyết “Những chuyện có thật và bịa đặt của tôi”, đã viết xong một nửa nhưng tôi quyết định bỏ đi để viết lại hoàn toàn bằng giọng khẩu văn. Blog đã kích thích tôi làm việc. Và sự chờ đợi của độc giả buộc tôi phải vận động trí óc liên tục, để có thể mỗi ngày “sản xuất” một entry mới cho họ khỏi trách móc. Niềm vui của tôi giờ nằm ở số lượng comment mỗi ngày. Xấp xỉ hàng trăm thì mừng húm. Mà lèo tèo vài chục là buồn kinh khủng.
Từ ngày yahoo 360 đóng cửa, bọ Lập chuyển sang là thành viên của wordpress, với câu blast mới toanh “Quê choa chỉ là chiếu rượu vui vẻ, không phải diễn đàn”. Không dừng lại ở những câu chuyện hấp dẫn mà ranh giới có thật và bịa đặt thường rất mong manh, khó đoán định, blogger đình đám giờ dành cỡ 50% “đất” để “cấy cày” những vấn đề chính trị - xã hội nổi bật, được bàn luận, mổ xẻ bằng góc nhìn và bằng trách nhiệm công dân của một người làm văn – làm báo. Những bức chân dung đồng nghiệp vẫn tiếp tục được hoàn tất. nhưng những áng “khẩu văn” hấp dẫn đã vắng vẻ phần nhiều. Sức hấp dẫn vẫn còn, nhưng phần “vui vẻ” của chiếu rượu giờ đã ít hơn. Chẳng biết ông “chủ xị” có định thay đổi? Tôi vẫn hi vọng thế. 
Hồ Cúc Phương
Ảnh: Nguyễn Đình Toán, HTS

Không có nhận xét nào: