Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Bài tham luận tại Lễ tưởng niệm 100 năm sinh Vũ Trọng Phụng

Liên minh ma quỷ trí thức rởm và lưu manh – một phát hiện thiên tài của Vũ TrọngPDF.InEmail
Văn Chinh   



Trên đường đến Cống Mọc ăn giỗ nhà văn Vũ Trọng Phụng, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân có nói về một bước ngoặt của bản đồ chính trị thế giới sau Thế chiến 2, là các chính khách bắt đầu chú ý đến giới trí thức, vận dụng triết học của họ vào chính trường, ví dụ, sau Hiện sinh của Jean Paul Sartre, Châu Âu không đánh nhau nữa mà chung sống hòa bình và hợp tác để mỗi cư dân sống tốt có một cuộc đời duy nhất của mình.
Đó là một nhận xét rất quan trọng. Hôm ấy, do chỉ cùng ngồi xe đi một đoạn đường ngắn, tôi chưa kịp nói những ý kiến mà hôm nay xin trình bầy tại đây, như sau.
Thực ra, ngay khi lập nước, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã dựa vào nền tảng tri thức luận của các trí thức ưu tú nhất thời ấy của xứ sở. Lenine từng nói một câu bất hủ: “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.” Còn ở ta thì có một thành ngữ “Không thầy đố mày làm nên” xác lập địa vị không thể thay thế của trí thức. Tuy nhiên, ở Phương Đông, người ta mới chú trọng đến mưu sĩ – mà họ gọi là quân sư trong các âm mưu tranh bá đồ vương của mình, chỉ đến thế kỷ XX, phương Đông, trong đó có Việt Nam mới bắt đầu chú ý đến giới trí thức như một kiến trúc sư thời thế. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hại lần mời 2.600 đại trí thức đến Bắc Đới Hà làm Hội nghị Diên Hồng nhằm xin ý kiến tháo gỡ bế tắc hiện tại, vạch hướng tương lai; một lần bởi ông Đặng Tiểu Bình và mới đây bởi ông Hồ Cẩm Đào. Sau Đại hội VI, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh có cuộc gặp gỡ văn nghệ sỹ tại số 10 Nguyễn Cảnh Chân, số lượng ít hơn và khuôn khổ cũng chỉ xung quanh phạm vi quan hệ giữa Đảng và Văn nghệ sỹ chứ chưa phải là các sáng kiến làm cho đất nước sớm trở nên hùng cường, nhưng tiếng vang của cuộc gặp đã là rất lớn. Vâng, tôi ước mơ có một Hội nghị Bắc Đới Hà ở cả quy mô và phạm vi tương ứng, bàn luận rộng ra khắp các lĩnh vực, cố nhiên quan tâm hàng đầu của Hội nghị là xác định hệ thống lý luận kinh tế chính trị kết tinh được cả văn hóa Đại Việt lẫn tinh hoa tri thức thế giới hiện thời.
Chúng ta từng quá tin vào các trí thức ưu tú đại biểu mà không tính đến khả năng các tài năng bị quyền lực và nền hành chính làm tha hóa, làm diễn biến hòa bình sau một chặng dài nắm quyền lực của họ. Chúng ta cũng từng quá tin vào mặt phải của liên minh TRÍ THỨC – VÔ SẢN mà không tính đến sức mạnh của liên minh ma quỷ TRÍ THỨC RỞM – VÔ SẢN LƯU MANH, để cho đám âm binh này lớn nhanh như nấm độc sau mưa, như Xuân Tóc Đỏ - Văn Minh đủ thời gian áp sát liên minh chân chính, tạm gọi là Liên minh DƯƠNG và hậu quả là nó bị Liên minh ÂM làm xói mòn, lấn át.
Cố nhiên, chỉ những ai ác ý hoặc ấu trĩ mới suy luận rằng Vũ Trọng Phụng viết Số đỏ (xuất bản năm 1938) để ám thị thời thế hôm nay. Tôi chỉ xin nhấn mạnh một điều, một khi hình tượng của nhà văn trở thành chân lý nghệ thuật thì sức sống của nó sẽ văng xa vào mọi ngóc ngách đời sống, chẳng những giúp cắt nghĩa chuyện đã xa xưa mà còn giúp phòng ngừa bệnh trạng tái phát cho cả mai sau. Văn Minh – Xuân Tóc Đỏ là một ví dụ.
Văn Minh là một trí thức nửa vời, dạng như các con ông cháu cha bây giờ không đủ điểm sàn, bèn du học. Hắn chả học được gì, đã đành, vì ở Pháp người ta dạy học trò bằng tiếng Pháp mà cái “vốn tiếng Pháp Thanh Xuân một năm” thì không đủ để nghe giảng. Vậy thì Văn Minh học bằng cách bắt chước, là cái cách người Việt mình rất giỏi như TS Nguyễn Văn Huyên đã khảo sát thấy. Hắn bắt chước trò làm công nghiệp thời trang của người Tây, cả cái kiểu PR bằng truyền thông, bằng những hoạt động tài trợ sân quần vợt, tài trợ thi đấu, trưng bầy “bộ sưu tập tang lễ” dị hợm, lố bịch độc đáo trong đám tang ông nội của mình nhằm quảng bá lôi kéo thị hiếu của kẻ giầu xổi, đánh vào tính hãnh tiến rởm đời của họ v.v…Và, để kiếm tiền, hắn lao ra hoạt động xã hội thúc đẩy nhanh quá trình Âu hóa – bây giờ ta gọi à “hội nhập”, bất chấp hở hang, gợi dục cùng những hệ lụy của nó là trái với luân thường đạo lý và đi ngược lại với thị hiếu thẩm mỹ tinh tế của người Việt. Xin lưu ý, y phục tinh tế, đẹp và giản dị của Đại Việt giúp người Việt tự tin nó khác hẳn với anh nông dân dúm dó trong bộ Comples hoang mang như là kẻ đi mượn; biến ý thức độc lập tự chủ của dân Việt thành mặc cảm tự ti đồng hồ của Tây có bao giờ sai. Cũng xin lưu ý, một trong các hành vi đầu tiên của ông Đặng Tiểu Bình khi tái quyền là comples hóa, váy ngắn hóa Trung Quốc, giúp phá vỡ nhanh hệ thống bao cấp vì khi cả xã hội đã bị lôi cuốn vào thói đua nhau ăn mặc thì lập tức nó cuốn người ta vào cuộc trường chinh bất tận là đua nhau kiếm tiền; nhưng cũng nó góp phần phá vỡ nhiều gia đình, mà gia đình, về mặt triết học, đã là hạt nhân làm nên tầm vóc đế quốc Trung Hoa cổ trung đại. Hậu quả của nó, như mọi người đều biết, là chứng  “nội bế, ngoại nhiệt”- bên trong bế tắc, bên ngoài gây hấn, mất lòng ba bề bốn bên, là chứng nan y hiện chưa có thuốc chữa.
Phát hiện ra nét điển hình của trí thức rởm Văn Minh – một cái tên người có hàm nghĩa vừa dị hợm vừa ám thị, Vũ Trọng Phụng cũng nhìn ra tính chất và sức mạnh nguy hiểm của nó, của văn minh nhưng với thể tạng ốm yếu của mình – ông sẽ chết vì bệnh lao phổi một năm sau khi viết Số đỏ, ông liệu sức không thể “làm gì” nó, chỉ còn biết cười cợt nó, cảnh báo nó cho mọi người nhìn thấy. Ôi, nếu như ông còn sống đến năm 1987, thọ 75 tuổi thì Vũ Trọng Phụng thể nào cũng được mời dự cuộc gặp tại số 10 Nguyễn Cảnh Chân. Khi dự họp, nhất định ông sẽ không kêu khổ nhục, nhà văn chứ có là bố thiên hạ đâu mà không khổ nhục dưới một gầm giời khổ nhục; tôi tin chắc chắn nhà văn sẽ khuyên cần tránh cái họa compes hóa, váy ngắn hóa Việt Nam mà cần hội nhập bằng tất cả tinh thần Đại Việt ngàn năm và vĩ đại của mình. Nhưng lịch sử làm gì có nếu, thương ôi.
Trí thức rởm thì có thể liên minh với ai để tạo nên sức mạnh? Nó không thể bén mảng đến cửa nhà cụ nghè ông cử. Quan lại, những quan lại đứng đắn cũng cấm cửa loại người này. Giới thương nhân và công nghiệp đứng đắn thậm chí còn tránh Văn Minh như tránh hủi, vì nó đe dọa đến nghiệp nhà truyền thống của họ. Vậy thì hắn chỉ có thể liên minh với gã ma cà bông vô nghệ nghiệp là Xuân Tóc Đỏ - một gã vô sản lưu manh. Vũ Trọng Phụng tả gã: Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ thuở bé, ở với bác bị bác đuổi vì thói xấu vô đạo đức và Xuân trở thành kẻ lang thang bụi đời: "Thằng Xuân lấy đầu hè, xó cửa làm nhà, lấy sấu ở các phố, cá hồ Hoàn Kiếm làm cơm. Nó đã bán phá xa, bán nhật trình, làm chạy hiệu rạp hát. Bán cao đơn hoàn tán trên xe lửa, và vài ba nghề tiêu xảo khác nữa. ánh nắng mặt trời làm tóc nó đỏ như tóc Tây. Cảnh ngộ đó tạo nó  nên một đứa hoàn toàn vô giáo dục tuy nó tinh quái lắm, thạo đời lắm." Từng làm nhiều nghề, mỗi nghề lại mang đến cho gã môi trường sống mới, giúp phát triển tính cách và thủ đoạn sống mới như khi gã kiếm sống bằng nhặt banh ở sân quần vợt thì gã đã đặt được một chân vào cửa giới thượng lưu; nhưng Xuân có những mặt ổn định không hề thay đổi, đó là bản chất vô giáo dục, vô văn hóa. Còn chính Xuân thì miêu tả về mình một cách thủ đoạn, có khi chân thành như một thách thức: "Tôi thì danh giá quái gì. Hạ lưu. Ma cà bông. Nhặt banh quần. Không đứng đắn." có khi lại tỏ ra kiêu ngạo, hợm hĩnh một cách lố bịch. "Xuân Tóc Đỏ càng kiêu ngạo làm bộ làm tịch bao nhiêu thì lại được thiên hạ càng kính trọng bấy nhiêu!" Đó là các chiêu thức gã học được từ xã hội thượng lưu, có thể nói gọn, Xuân Tóc Đỏ quyết chí bầy ra hình ảnh siêu nhân của gã trước nhân quần, bằng tất cả mánh lới gã học được từ hầu khắp các môi trường sống của mình, từ hạ lưu đến thượng lưu, đặc biệt là giới thượng lưu rởm, trong đó có bà Phó Đoan và Văn Minh.
Nhà văn Vũ Trọng Phụng viết về cuộc gặp giữa Văn Minh và Xuân qua môi giới việc làm của bà Phó Đoan. Đối với bà, là một cách quẳng đi chưa dứt khoát cái thằng người mà bà muốn nó không đứng đắn thì nó lại cứ đứng đắn, còn với Văn Minh, đây có vẻ như vô tình ngẫu nhiên, nhưng tài năng bộc lộ chính ở chỗ cứ như là ngẫu nhiên mà thực ra lại là tất yếu. Một xã hội phát triển, một công ty đang mở mang phát triển bao giờ cũng thiếu nhân công, cửa hàng Âu hóa của ông bà Văn Minh cũng thế và trong tình thế ấy, chẳng sớm thì muộn, hắn sẽ gặp những người như Xuân, không cần trí thức lắm, vì hắn kỵ trí thức, chỉ cần có vẻ trí thức là được rồi; Xuân lại quen thuộc cả hai thế giới thượng lưu và hạ lưu, đi về giữa hai chỗ này như ra vào nhà mình. Không ai thích hợp hơn Xuân Tóc Đỏ trong ý đồ mở mang phát triển hiệu may Âu hóa của Văn Minh. Nói một cách khác, liên minh giữa trí thức rởm với vô sản lưu manh là một tất yếu lịch sử trên tiến trình văn minh một xã hội. Hiện chúng ta có rất nhiều ví dụ sống về những kẻ như Xuân Tóc Đỏ và Văn Minh, nó như minh chứng sống về sự sống lâu bền của tác phẩm văn học mà, nói như Nguyễn Khải, “.Số đỏ’ là cuốn sách ghê gớm có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học."
Từ đây, cặp đôi Văn Minh Xuân Tóc Đỏ như hình với bóng, kẻ này tung, người kia hứng và ngược lại. Điều thú vị là tình huống phát triển truyện cũng là tình huống phát triển tính cách và mặc dù với giọng điệu phúng dụ cười cợt nhưng tác giả lại cực kỳ hiện thực trong khai triển tâm lý. Xuân từng nhặt banh quần thì, với sở trường trèo me hái sấu, gã nhanh chóng học lỏm mà biết chơi quần vợt; với kinh nghiệm bán thuốc lậu trên tầu điện ngoài bến xe, gã biết vài chiêu về y lý. Văn Minh liền mưu toan biến cái “sở trường”của liên minh thành sức mạnh, trước hết nhằm xây dựng hình ảnh trang trí cho liên minh do mình làm thủ lĩnh. Hắn giới thiệu Xuân nguyên sinh viên trường thuốc rồi khi xuất hiện tình huống ông nội ốm, hắn liền cho Xuân chữa bệnh dù biết chắc Xuân sẽ cho ông nội mình uống “nước cống” âu cũng là một cách kinh doanh. Nếu không khỏi, chắc Văn Minh sẽ có nhiều bài bào chữa, nói thí dụ, “chữa được bệnh chứ ai chữa được mệnh” và nếu khả năng này xẩy ra, Văn Minh sẽ ngư ông đắc lợi về món tài sản thừa kế. Nhưng may, Xuân là gã luôn luôn gặp may, thì số đỏ mà lại. Vậy là danh xưng Xuân – nguyên sinh viên trường thuốc trở thành quan Đốc. Với khả năng quần vợt của Xuân, hắn bơm thổi, hắn “đầu tư” bằng mánh lới để Xuân trở thành vô địch quần vợt. Và cao trào của tiểu thuyết đã được viết thật tuyệt vời bằng trường đoạn Xuân “chịu thua”nhà vô địch Xiêm La để tránh họa chiến tranh, gã trở thành người anh hùng cứu nước. Đây là một trường đoạn hấp dẫn bất ngờ vào bậc nhất, đến các đạo diễn Hollywood cũng phải ghen tị dù nó bộc lộ đầy khiếm khuyết ba via. Ở đây có sự tráo trở của phương pháp, cái ba via bịa đặt lại trở thành yếu tố nhấn đậm sự vô lối, sự lố bịch và kệch cỡm của một xã hội nhố nhăng như nước suối trong vừa hòa vào dòng sông ô nhiễm bởi cặn bã văn minh, lại tạo cho trận thi đấu quần vợt một không khí thời đại. Cho đến khi cổ động viên hô lớn "Xuân Tóc Đỏ vạn tuế, sự đại bại vạn tuế” thì tôi ngờ rằng đến chính Lỗ Tấn cũng phải giật mình.
Nhưng sức sáng tạo của người mà chỉ một năm sau nhà văn Nguyễn Tuân đã phải viết “Một đêm họp đưa ma Phụng” còn dồi dào, như nham thạch trào sôi từ núi lửa. Không thể không kinh hoàng khi ông hạ bút viết về cái vẫy tay của Xuân Tóc Đỏ chào quần chúng hâm mộ gã. Ông viết về cái chiến thắng thật của thói hãnh tiến  rởm, về cái chiến thắng thật của một liên minh ma quỷ giữa trí thức rởm và vô sản lưu manh thật tài tình và thật lắm dư ba. Dư ba đến mức, nó cho phép chúng ta liên tưởng đến cái vẫy tay chào thế kỷ của những kẻ lưu manh nhưng lại được chính nhân quần vồ vập đón chào.
 

Không có nhận xét nào: