Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Văn chương và nỗi buồn!


Hà Nội những ngày đông cuối năm


1. Như đã hẹn định, tôi trở lại Hà Nội vào những ngày đông cuối năm. Cánh vũ tôi tự nhận thấy trong những chuyến thiên di của mình, Hà Nội vẫn là nơi tôi dừng lại nhiều hơn cả. Dù nơi đây, gió đã quăng quật tôi tới mức có thể, và đôi cánh tôi đã có lúc dã dời...
Cảm nhận cái lạnh sâu sắc nhất vào những ngày đông là cây bằng lăng trước của khách sạn nơi tôi ở đứng trân mình im phăng phắc, thân cây xám ngoét một vẻ xù xì cau có, những chiếc lá thôi xào xạc dường như cũng đóng băng trong sự tĩnh lặng. Những giọt nước đọng lại từ đêm qua nhễu nhợt rớt xuống một cách uể oải và trễ nại tới phát bực mình. Cái mạng nhện giăng trên đám lá thì trĩu xuống trùng trình bởi sương sớm vương vào, khi tôi đứng nhìn là thời khắc đã quá buổi sáng tới gần trưa mà giọt nước cũng chưa chịu bốc hơi tan biến.
Tôi không thích mùa đông, bởi sáng nay trời đổi mùa khiến tôi thấy mình quắt queo như cành cây khô giữa cái màn xanh biếc và lạnh lùng của lá. Đôi khi thiên nhiên cũng khắc nghiệt như con người, nhưng cũng chẳng tàn nhẫn cho bằng,
Ừ thôi, tìm cái khác đi của mùa đông Hà Nội. Tối đó tôi chui tọt vào một gian hầm mà một lúc nữa thôi nơi này sẽ có buổi trình diễn âm nhạc thính phòng. Vậy đấy, âm nhạc thính phòng, thứ âm nhạc trước nay tôi vẫn đánh giá là một loại nhạc bác học không phải để những loại tai như tôi nghe được vậy mà cuối cùng tôi vẫn nghe nó.
2. Đến sớm nhất rồi cũng thành ra muộn nhất. Chuyện đời đôi khi vẫn vậy, bởi có đủ lý do có thể biến những điều tưởng như đã mà thành ra không. Khán phòng - gọi khán phòng cho phù hợp với loại hình âm nhạc bác học này chứ thực ra thì tôi chưa biết gọi nơi tôi đang ngồi là gì nữa. Nó nửa giống như một quầy bar, nửa giống như một quán cafe và cũng gần giống như một phòng họp. Một tầng hầm hơi thấp, được thiết kế giản đơn và những chiếc ghế ngay lối vào giống như nơi ngồi thử đồ ở một cửa hiệu mua sắm. Chỉ có phần chính giữa là những chiếc ghế bọc da màu ghi xám được xếp một cách thẳng hàng ngay lối, đây là nơi đặc biệt dành cho khách mời, khách mời là những ai thì tôi cũng chịu bởi tôi cũng chẳng bận tâm cho lắm. Tôi đang vẩn vơ nghĩ với không gian này thì lát nữa âm nhạc sẽ rơi vào đâu?
3. Sẽ là thiếu sót vô cùng nếu tôi kể về đêm nhạc này mà chẳng hề nhắc tới cái bàn được trải khăn bên trên bày la liệt sách của Vi Thuỳ Linh. Cái bàn nằm ngay cửa ra vào vậy nên không thể không chú ý những Vili Tuỳ bút, Vili & Paris đang thản nhiên nằm thở đều đặn và ngước cặp mắt ngước nhìn từng người ra vào, có lẽ chúng cũng giống như người mẹ khai sinh ra chúng đang thẩm định ai mua, ai không mua trong số người qua lại.
Tôi biết đến thơ của Linh từ những năm 2000. Khi đó diễn đàn văn học nghệ thuật tràn ngập những lời bình xét, đánh giá về một “hiện tượng” mới mẻ mới xuất hiện trong làng thơ Việt Nam lúc bấy giờ. Khen có, chê có, mỉa mai có, tâng bốc có... Nhưng phải thú nhận nếu không có nhạc sĩ Ngọc Đại, không có ca sĩ Trần Thu Hà thì tôi sẽ không bao giờ biết tới những câu thơ “Ngày thì nhật thực/ Đêm thì nhật nguyệt/ Sông thành sa mạc/ Anh thành hư vô”; Hay “Em lầm lũi đến trước cửa nhà anh/ Nhặt xác nỗi buồn còn tươi nguyên/ Đốt lên thành lửa ném lên trời...” Và “Cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi anh/ Bàn tay lã chã trầy xước nụ gai đớn đau...” còn nữa:  “Trên ngực anh em thở/ Thu đầy thu nghìn trùng...”; “Ta cứ viết như là ta đang sống/ Em nhớ anh vò nát cả biển rồi/ Biển đổ xanh lên những ngôi nhà cổ/ Em chênh vênh mái phố cuối cùng...”;
Bỗng  tôi nghe loáng  thoáng “...Con phe chữ!” – Tôi phải hỏi tới lần thứ hai Nữ hoàng bên cạnh tôi mới kể cho tôi nghe tại sao lại có sự ám thị khinh miệt trong câu nói đó. Thì ra nguyên nhân cũng bởi biết tôi thích thơ của Linh nên nàng Lidơ của tôi mới cùng Nữ hoàng rủ nhau ra phía ngoài cửa ra vào mua sách. Do không biết nàng thơ ViLi là ai trong vô số người đứng ngồi phía sau cái bàn đang bày bán những thoi thóp kia nên nàng Lidơ đã vô tư nói. “Cái H thích thơ của con bé Linh này, mua tặng nó một quyển làm kỷ niệm”. Thì ngay lập tức nàng thơ của chúng ta bật lên: “Linh đây, mua đi, mua đi. Hôm nay các chị mua ở đây là gặp may đấy nhé. Bình thường sách em bán đúng giá nhưng em quý các chị nên em giảm giá cho các chị một nửa...”. Vì là nghe kể nên tôi cũng không biết cách chào hàng và chào giá của Linh như trên đã khiến nàng Lidơ vốn dĩ không thích con người của nhà thơ này cảm thấy khó chịu. Tôi nghe xong chỉ cười nhưng trong lòng lại cảm thấy nhoi nhói.
Chương trình âm nhạc CEG số 9 bắt đầu khi những nhộn nhạo nơi cửa ra vào bắt đầu lắng xuống. Tâm điểm buổi biểu diễn ngày hôm nay đó là buổi trình diễn của những nghệ sĩ trẻ của hai nước Việt Nam và Hàn Quốc. Nếu so về bề dày thành tích thì phía Việt Nam nổi bật hơn cả, đặc biệt nghệ sĩ pianist Trang Trịnh. Trang Trịnh sinh năm 1986, tốt nghiệp thạc sỹ xuất sắc năm 2010, đoạt vô khối giải thưởng danh giá trong và ngoài nước, đặc biệt là Giải nhì tại Liszt Competition Hungary. Phía Hàn Quốc có Tenor Park Sung Min, ấn tượng buổi biểu diễn tối đó bởi Park Sung Min là khi anh chàng này cất giọng hát Hà Nội niềm tin và hi vọng tôi đã căng cả người khi anh chàng ngân những nốt cao với chất giọng rền, vang và sáng chưa từng có, dù anh chàng hát bằng tiếng Việt!
Thính phòng nhường sân cho văn chương. Tôi tự hỏi làm thế nào mà cô ấy có thể đưa văn chương sánh ngang những buổi trình diễn nghệ thuật điều mà trước nay chưa một nhà văn, nhà thơ nào làm được?
Ấy là khi người dẫn chương trình giới thiệu khách mời tới tham dự buổi biểu diễn hôm nay “... có nhà thơ, nhà văn trẻ Vi Thuỳ Linh. Chị vừa có buổi trình diễn thành công tại Nhà hát lớn Hà Nội với một chương trình mang tên “Bay cùng Vili”. Xin mời nhà thơ, nhà văn Vi Thuỳ Linh có đôi lời chia sẻ với các vị khách tới dự chương trình âm nhạc CEG số 9”. Và thế là thay cho những bản nhạc thánh thót buông từng giọt từng giọt thì một chất giọng khàn khàn và một dòng chảy ngôn ngữ ào ạt của Linh được nhả ra. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Linh, lần đầu tiên tôi nghe Linh và ngay lần đầu đấy tôi đã thấy thất vọng.
Linh trên sân khấu với gương mặt không trang điểm, mái tóc thả bù xù, chiếc áo len thả bên ngoài chiếc quần jean màu xanh lạt. Không biết có ai để ý Linh hay không hay đang mải nghe cô ấy nhả chữ. Còn tôi thì vừa nghe vừa ngắm. Bởi thế câu chữ của cô ấy trôi tuột ra ngoài, tôi chẳng thể nào mà hình dung nổi một nàng thơ đang đứng kia, nói những lời bay bướm kia để bao biện cho việc xuất hiện tại đây không được “tươm tất cho lắm. Tôi thà chấp nhận mình xấu để có mặt ở nơi đây trước giờ biểu diễn của các bạn mà không bị mất một phút, một giây âm nhạc nào...”. Linh nói xong, lại tất tả trở lại ngồi bán những cuốn sách của mình KingKong ngồi bên cạnh tôi thầm thì “Nhà văn có khác, nói hay thật chị nhỉ?”. Hay à, có hay không? Biết nhiều về Linh rồi nhưng hôm nay tôi mới được mục sở thị, bỗng nhiên thấy điều gì đó đang vơi đi.
4. Khác với một Linh xốc nổi, ồn ã. Nhạc sĩ Giáng Son ngồi yên lặng trong một góc khuất nơi khán phòng, ngay sát cạnh bên phải tôi. Vậy mà nếu KingKông không nhắc tôi, chắc hẳn tôi không nhận ra chị.  Suốt buổi chị không nói lời nào, thỉnh thoảng thấy chị nhắn tin cho ai đó, đôi lúc trao đổi với người bạn đi cùng cũng bên tay phải chị. Tôi thích thơ của Linh nhưng không làm quen với Linh dù nàng Lidơ cố lôi kéo tôi ra đó để gặp “thần tượng”. Tôi thích Giáng Son bởi những bản nhạc chị viết ra đẹp từ phần lời tới phần nhạc như “Cỏ và mưa”, như “Thu cạn”... Nhưng cả buổi tôi không nói với chị câu nào để nói về sự yêu mến của mình, sự hâm mộ của mình. Chỉ đến khi âm nhạc kết thúc, tôi đứng vậy ra về và quay ra chào chị. Đáp lại lời chào của tôi là sự ngỡ ngàng và nụ cười thật tươi tắn và rạng rỡ. Có lẽ chẳng bao giờ tôi quên nụ cười đó. Sự ngưỡng mộ, yêu mến giống như âm nhạc, chúng ta không cần dùng đến lời.
5. Chim Biển trên đường về chỉ vào cuốn sách tôi đang cầm trên tay và nói: “Em không hiểu chị đọc được gì từ thứ như thế này?” - Thứ như thế này  là cuốn “Vili tuỳ bút”. Với giá bìa là 309.000VND/25USD/20 Euros, nhưng đêm đó nó được bán với giá bằng một nửa giá ghi trên bìa bằng lời chào mời “Mua đi... mua đi... em quý chị lắm thì em mới bán với giá đó...”.
Con phe chữ! Tôi bị cái câu nói từ nàng Lidơ của tôi ám thị tới mức thấy cái mình cầm trên tay thật tầm thường quá mức. Tôi đọc được gì từ thứ như thế này? Câu hỏi của Chim Biển cũng khiến tôi nghĩ lại, ừ mình đọc được gì nhỉ? Khi cuộc gặp gỡ thoáng chốc đã khẳng định thêm đôi điều về Linh.
Mới đây thôi Linh còn tự hào với sản phẩm mới của mình, sự “lao động vị nghệ thuật suốt ba năm của tôi chẳng lẽ không bằng 10 bát phở buổi sáng” khi có người nói giá sách của Linh đắt gấp nhiều lần các cuốn cách đương đại khác. Mới đây thôi Linh đã có buổi trình diễn thơ ca trong một sân khấu sang trọng bậc nhất cả nước để thể hiện đẳng cấp của mình, vậy mà hôm nay Linh lại ngồi đó rao bán chúng ở một lối đi thiếu sáng bằng kinh nghiệm bán hàng của một con buôn... “mua đi... hôm nay có giảm giá”.
Linh đã giảm giá luôn cả giá trị bản thân mình mà Linh không hề biết.
6. Đêm Hà Nội lạnh vô cùng trong những ngày đông cuối năm. Tôi trở về trong sự hụt hẫng thấy rõ, nhưng nguồn cơn của sự hụt hẫng ngày đến từ đâu thì tôi chẳng thể diễn tả nổi. Rồi cũng ngay trong đêm đó ở một nơi cách tôi không xa một chiếc lá vàng nữa lại rụng. Tôi thấy trống trải quá, xót xa quá cho sự mất mát liên tiếp của người đã lấy mất đi niềm tin của tôi. Chiếc lá vàng trước là người thầy, chiếc là vàng sau là người thân thiết trong gia đình anh... Nếu là trước kia tôi đã ào đến như gió, nhưng giờ phút này tôi chỉ có đứng nhìn và thinh lặng. Nguyện cầu cho anh nhiều may mắn và hạnh phúc hơn trong những ngày đầu năm mới. Tôi sẽ lại thiên di trong gió để quên đi một mùa đông buốt giá.
Một năm mới an lành cho tất cả mọi người. Vẫn là yêu thương những gì yêu thương, và cả những gì không yêu thương cũng yêu thương nốt... cho mình được an nhiên.

Không có nhận xét nào: