Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Tiểu luận

Con đường đến với văn chương

Có bao nhiêu cách để trở thành một nhà văn?
Có lẽ là nhiều cách. Cách đầu tiên và phổ biến nhất là khi viết văn được coi như một nghề thì thường người viết đi từ học hành đúng chuyên ngành mà nên. Đó là những người đã chọn viết lách như là một nghề để lập thân và để kiếm sống. Cũng giống như bao nghề nghiệp khác, điều này cũng là hiển nhiên.
Và khác những nghề khác, dù có khi chẳng bao giờ được coi như là một nghề, nhưng nếu có đam mê mạnh mẽ thôi thúc, sẽ có nhiều cách “lắt léo” để trở thành một kẻ viết lách. Có thể tôi là một trường hợp như vậy...

Thuở học trò tôi học khá môn toán và các môn khoa học tự nhiên khác. Tuy rất ham đọc sách và đọc tất tần tật những cuốn sách vớ được, nhưng hầu hết mọi người, kể cả tôi, chẳng ai nghĩ có ngày tôi sẽ viết văn. Đối với tôi thời ấy, viết văn là một công việc gì đó thật xa lạ.
Thời đó có một thứ nghịch lý buồn cười về văn chương: trong khi cái danh xưng “nhà văn” nó luôn gieo trong lòng lũ học trò một sự ngưỡng mộ có phần sang trọng (điều này chủ yếu đến từ các nhà văn tiền chiến) thì trong thực tế, phải cùng đường lắm mới phải đi học văn, nghĩa là lấy môn văn làm môn chính để đi thi đại học rồi vào đời.
Tất cả là từ cái mục đích kiếm cơm mà ra. Kiếm cơm cho tương lai, hay tương lai có thể kiếm được cơm, luôn là mục đích tối thượng của một kẻ đi học. Bởi vậy niềm đam mê văn chương (nếu có) trở thành một thứ quá xa xỉ. Đây là trở ngại khổng lồ nhất cho một kẻ học toán muốn theo văn chương, và thường chẳng có ai vượt qua được chọn lựa này (nếu giả dụ cái kẻ học toán ấy đam mê văn chương thật sự).

Còn có một thứ ngộ nhận khác đã thành nếp sâu trong suy nghĩ của nhiều người khi họ luôn cho rằng: cặp toán – văn nó cũng giống như cặp văn – võ của ngày trước. Nghĩa là một bên là những gã áo dài quần thụng chuyên về sách vở còn bên kia là những kẻ võ biền chỉ được cái “tứ chi phát triển”.
Điều này luôn dẫn đến nhiều hệ luỵ trong suy nghĩ của bọn học trò. Thuở đó tôi cứ nghĩ, toán và văn là hai thế giới khác hẳn, riêng biệt và những kẻ trong đó chẳng có điểm gì giống nhau. Cho nên, thường đám học toán sẽ làm bộ như chẳng khi nào quan tâm đến văn, kể cả việc đọc sách văn học. Còn cái bọn học văn thì suốt ngày ôm mấy cuốn sách cốt chỉ để học cho thuộc mấy cái dàn bài phân tích mẫu. Đây là lối học văn huỷ diệt tâm hồn. Bởi vậy rất khó hình dung nếu một ai đó lại vừa giỏi văn lại vừa giỏi toán.
Toán – văn đã trở thành gần như là một cặp phạm trù đối lập không có điểm chung.
Nếu để ý sẽ thấy còn có nhiều thứ “đối lập” giả tạo như vậy nữa trong môi trường XHCN. Chẳng biết căn cớ của chuyện này là đâu, có khi là từ não trạng “biện chứng duy vật” mà ra. Cái phép biện chứng này nó đòi hỏi kẻ vận dụng phải tìm cho ra các cặp đối lập, nếu không có thì phải nặn cho ra, để từ đó mới có cơ sở đưa ra các hợp đề.
Theo tôi, ở con người, trí thông minh có vẻ đa dạng, nhưng thực chất đều dựa trên nền tảng luận lý. Đối với tôi, tư duy logic trong toán học cũng chẳng khác gì so với các tư duy luận lý trong sáng tạo văn chương. (Dĩ nhiên, ở đây, phải loại bỏ những thứ “giả văn học” đi. Những thứ văn chương dối trá đó không cần đến năng lực sáng tạo, đó chỉ là sự bịa tạc). Chúng có cùng hình thái, chỉ có công cụ sử dụng, đối tượng ứng dụng và sự biểu lộ trong mục đích thực tế là khác nhau. Tôi chẳng bao giờ cho rằng các suy tưởng trong “hình học phi Euclid” lại kém “tưởng tượng” hơn trong các sáng tác của Kafka, hay ngược lại.
Nhưng cái gì đã làm nên sự khác biệt giữa hai công việc làm toán và viết văn?
Đó chính là những “cảm hứng nhân sinh”.
Một bên lấy các nguyên tắc thuần lý làm đối tượng cho nguồn cảm hứng sáng tạo với công cụ là các ký hiệu, còn bên kia là từ đời sống con người với công cụ là ngôn ngữ.
Nói chung, thứ văn chương mà tôi tâm đắc là thứ dựa trên nền tảng luận lý và niềm cảm hứng nhân sinh.

Nhưng cho dù thế nào, nói cho chính xác, thứ văn chương mà tôi đề cập ở trên, trước tiên phải là văn chương trung thực. Trung thực nghĩa là kẻ viết phải viết đúng cái mà mình cảm nhận được, phải “bất tự khi dã”. Để có những tác phẩm có giá trị, người viết, ngoài các năng lực bẩm sinh, cần phải tôi luyện và học hỏi từ nhiều nguồn. Nhưng để có thể được gọi là văn chương – theo cái nghĩa đích thực nhất của từ này – thì phải trung thực.
Đừng bắt tôi phải định nghĩa nhiều hơn về văn chương trung thực: nó thuộc về cảm nhận. Và nó chủ yếu thiên về khía cạnh đạo đức hơn là kỹ thuật. Một khi bạn đã biết về những thứ văn chương dối trá, bạn sẽ chẳng khó khăn gì để nhận ra được nó. Có một sự khác biệt rất lớn giữa văn chương trung thực với thứ văn chương bịa tạc, cho dù vẻ bề ngoài chúng giông giống nhau. Chẳng có gì huỷ diệt niềm đam mê văn chương hơn những thứ giả danh văn chương ấy.
Khi bạn sinh ra và lớn lên, rồi được giáo dục hoàn toàn trong một bầu khí quyển đạo đức dối trá, không những bạn sẽ rất khó nhận ra sự trung thực mà còn sợ nó nữa, thậm chí là thù ghét nó. Nếu thế giới này cứ mãi mãi lùi lại như thời cách đây vài chục năm... có lẽ sẽ chẳng có ai thắc mắc gì về những tác phẩm “xuất sắc” của nền văn chương hiện thực XHCN. Nhưng dòng chảy của văn minh nhân loại luôn luân chuyển... Đó là sự xuất hiện của internet, và từ đó là biển thông tin. Đến một lúc, tình cờ vén đám mây dối trá đó lên, bạn nhận ra có nhiều thứ tươi sáng ngoài kia...

 Vâng, có nhiều cách để đến với văn chương nhưng sẽ chẳng có cách nào mà không phải do đam mê dẫn dắt và sự trung thực soi đường. Nhưng đôi lúc, để niềm đam mê ấy trở nên hiện thực, cũng phải cần những khích lệ. Đối với tôi, T. v là niềm khích lệ lớn lao để tôi bước vào con đường viết lách.

Cho nên nếu bạn đam mê văn chương thì hãy viết ngay đi, cho dù bạn đang làm nghề gì. Hãy viết, trước khi chết.
Vả lại, ở cái xứ này, ngoài việc viết lách thì còn có thể làm được gì khác nữa?

Trà Đoá

Không có nhận xét nào: