Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

Quái nhân chủ nhà từng gặp:

NHÀ THƠ TẠ VŨ: “KHÔNG MỪNG TUỔI TAO À?”

CHỬ THU HẰNG
Nhà thơ Tạ Vũ bên mâm rượu đơn sơ mời các bạn Thơ
Nhà thơ Tạ Vũ bên mâm rượu đơn sơ mời các bạn Thơ
Lần đầu tiên đến Thi đàn thứ Bảy (Thi đàn do Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sáng lập 10 năm trước), tôi đã ngỡ ngàng khi một người cổ quái, râu tóc xùm xòa giữ lại thì thào: “Cho tao hai chục uống rượu đi”. Lúng túng, tôi không ngờ lại nhận được một lời đề nghị như vậy ở chốn thanh tao này. Rút 50 nghìn, tôi kín đáo dúi cho ông nhưng ông thản nhiên bảo: “Tao xin tiền uống rượu thường xuyên, chúng nó còn làm thơ bảo sướng nhất là Tạ Vũ,tiền trong túi bạn bè”. Rồi thỉnh thoảng gặp ông ở Thi đàn, ở các dịp lễ hội, ông vẫn hồn nhiên xin, ít thôi, một chục, hai chục. Hôm Hội thơ Rằm tháng Giêng, ông nhắc: “Không mừng tuổi tao à?” Tôi cũng chẳng vừa: “Mừng tuổi rồi mà, bác quên đấy”. Ái ngại trước cái áo quá cũ của ông, tôi xin chồng chiếc măng tô, định mang tới nhà biếu để thăm gia cảnh nhưng ông không chịu. Chẳng biết mang áo về ông nói sao mà vợ ông viết bài thơ Tặng người cho áo. Hôm vừa rồi gặp bà, bà mới biết người cho áo là tôi.
Tác phẩm của ông tôi không được đọc. Trong các buổi họp của Thi đàn, nổi hứng bất kì lúc nào, ông xăm xăm lên diễn đàn, miệng nói: “Tao đọc thơ, có nghe thơ của tao không?”. Nể lão làng, mọi người xuê xoa: “Mời bác, bác đọc thơ đi ạ”. Thơ của ông thường ngắn, chữ cũng mới, ông đọc hai phút là xong, nhận tràng vỗ tay của mọi người, ông hể hả về chỗ ngồi của mình ở cuối thi đàn. Nhưng đừng dại can ông, không được đọc thơ, ông sẽ làm ồn ào đến nỗi không ai nói gì, nghe gì được nữa. Hai tuần một lần, ông đi xe ôm đến dự, uống vài chén rồi về. Thi đàn là nơi cuối cùng để ông được gặp bạn thơ, được đọc thơ và nghe thơ chăng?
Ông từng là một người thừa kế giàu có, một người trai Hà Nội hào hoa. Biển dâu dời đổi, ông trở thành một người thợ sơn vôi. Còn bà, cũng có thời bà là “người nhà nước”, rồi lấy nghề cuộn thuốc lá để mưu sinh. Ông bà có một kho giai thoại và kỉ niệm với các nhà văn, nhà thơ. Một thời, căn nhà của ông bà là chỗ nương thân của các bạn văn chương gặp khó khăn.
Phàm đã là người làm thơ, chẳng mấy ai giàu. Nhà thơ vốn tơ lơ mơ về những chuyện dính líu đến tiền bạc, lại chẳng muốn hạ mình làm những việc chẳng mấy thơ để thoát nghèo. Nhà có một Nhà thơ đã khổ, đằng này, cả hai ông bà cùng làm thơ thì thôi rồi. Hồi trẻ, ông bà in chung một tập thơ. Bà cũng đã in riêng một tập và bây giờ bà vẫn viết. Những bài thơ được bà chép tay trên những cuốn vở cũ nhàu, những trang giấy rời rạc. Không có lương hưu, ông bà sống bằng trợ cấp của con. Căn nhà ở sâu trong ngõ Hoàng Mai hình như chỉ có cái ban thờ và bức hoành phi gợi lại một thuở vàng son. Giá sách xiêu vẹo, những cuốn sách vàng ố dường như lâu rồi không có ai đọc. Có hôm, cả làng Hoàng Mai nhao nhác, ngỡ có đám cháy bởi khói từ nhà ông bốc lên cuồn cuộn. Chạy tới, thì ra Nhà thơ chồng, Nhà thơ vợ đang đốt thuốc lá liên tục, uống rượu và đọc thơ cho nhau nghe…
Tháng 7/2012, ông phải đi phẫu thuật khối u ở họng. 70 năm ngâm trong rượu và khói thuốc, giờ mới phải đụng dao kéo thì vẫn cho là bền. Phẫu thuật xong, đường tiêu hóa lại giở chứng, nên ông nằm viện khá lâu. Nghe đâu Hội Nhà văn VN cũng hỗ trợ ông chục triệu. Bạn bè ở Thi đàn thứ Bảy cũng góp tiền thăm ông. Tôi gọi cho đồ đệ của ông là Họa sĩ Đào Trung Việt, mang rượu nếp, lạc rang đến nhà ông. Trông ông trẻ ra hơn chục tuổi vì được các bác sĩ tẩy rửa những thứ bám trên da từ bao giờ, lại cạo luôn cả bộ râu mà ông gìn giữ mấy chục năm trời. Nghe tôi nói Quỹ Hỗ trợ Văn chương & Cuộc sống của chúng tôi dự định hỗ trợ, ông mừng lắm, bảo: “Thế thì tốt quá, tao đang túng lắm”.
Đường vào nhà ông không đi ô tô được. Nhà thơ Bành Thanh Bần, Nhà văn Trần Nhương và chúng tôi tay xách nách mang nào rượu, nào thơ, nào hoa, nào áo… đi xe ôm, rồi đi bộ qua 7 khúc quanh mới tới nhà ông. Một mâm rượu đã được ông chuẩn bị để đón khách: hai cái bánh mì, hai cái bánh đa, ít lạc rang lần trước tôi biếu, một chùm quả hồng bì, mấy bìa đậu sống và tất nhiên không thể thiếu rượu. Sau khi mổ, ông vẫn yếu, nên chưa uống được nhiều, chỉ nâng lên đặt xuống.
Vậy mà tiếng thơ vẫn ngân lên từ căn nhà này, từ chiếu rượu này. Thơ của ông, thơ của bà. Không thể khác được. Họ vẫn đang hồn nhiên đắm đuối cùng thơ…


Không có nhận xét nào: