Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

Những bài học của thời gian:

Sự suy thoái chính trị và trường hợp của Vương tộc Lý 


Năm Trị Bình Long Ứng thứ 3, Đinh Mão, 1207, Vua Lý Cao Tông xuống chiếu, xin hối lỗi vì đã nghe lời gian nịnh gây ra bất công và oán hờn nơi dân chúng. Vua hứa sẽ chỉnh đốn những sai lầm và về lại với dân. Việt Sử Lược viết, “Những người có đất đai, sản nghiệp bị mất về tay các quan thì được trả lại tất cả”.

Nhưng đã quá trễ.

Sự suy thoái chính trị, bắt đầu từ vài thập niên trước đó, đã làm mục ruỗng các cơ cấu quyền lực của vương triều trên mức có thể cứu vãn được. Hai mươi năm cuối cùng của vương triều này chứng kiến cảnh quan quyền nhũng nhiễu, mua quan bán chức, các thế lực đặc quyền nổi dậy thách thức quyền lực trung ương, gây nên cướp bóc loạn lạc. Khi Vương tử Sảm, con Vua Lý Cao Tông, chạy loạn Quách Bốc về Hải Ấp nương nhờ quyền thế của Trần Lý, rồi lấy con gái của ông ta, dọn đường cho hai con trai của Trần Lý là Trần Thừa và Trần Tự Khánh vào chính trường, thì số phận của Vương tộc Lý coi như đã được định đoạt. Việc Trần Thủ Độ ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, con trai của Trần Thừa, cháu nội Trần Lý, chỉ còn là vấn đề hợp thức hóa một thực tại quyền lực mới của Đại Việt.

Như đã nói ở (các notes) trên, sự suy thoái chính trị của các vương triều bắt đầu từ một tiến trình mà ở đó các vị trí công quyền của nhà nước được xếp đặt bởi các quan hệ nội thân, hoặc bằng việc mua bán, chứ không bằng các định chế tuyển chọn nhân sự. Fukuyama gọi tiến trình này là tiến trình tái thân tộc hóa. Nó tạo nên những thế lực đặc quyền ràng buộc nhau bằng quyền lợi. Các thế lực đặc quyền này dùng quyền lực đang có để duy trì các định chế có lợi cho họ và ngăn cản sự chuyển hóa các định chế xã hội theo hướng phát triển, đưa đến sụp đổ.

Sự chính đáng chính trị của một thế lực cầm quyền trước hết được đặt trên một số ý niệm về công lý. Ở mức độ quảng chúng nhất, những ý niệm công lý này chứa đựng nội dung của tính công bằng về các cơ hội tiến thân trong các cơ cấu quyền lực nhà nước. Một vương triều được coi là chính đáng khi nó tạo được ấn tượng về những ý niệm công lý như thế. Sự thân tộc hóa làm phá sản tính chính đáng này. Sự sụp đổ của các định chế và sự thiếu tính chính đáng của quyền lực là hai mặt của tiến trình suy thoái chính trị. Nó xảy ra, cũng như nó đã xảy ra với Vương tộc Lý một ngàn năm trước.

Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn mười hai sứ quân và thiết lập nên quân chủ đầu tiên của Đại Việt nhưng ông không phá bỏ được các thế lực chính trị vùng miền đã tồn tại hàng trăm năm trước đó từ thời Bắc thuộc. (Phải đợi hơn 400 năm sau, khi Nhà Minh đô hộ, thì các thế lực vùng miền này mới thật sự bị phá bỏ. Chế độ quân chủ phong kiến sụp đổ nhường chỗ cho chế độ quân chủ tập quyền của Nhà Hậu Lê). Hai vương triều Đinh, Lê ngắn ngủi trong 43 năm kế tiếp đã cố gắng xây dựng một cơ chế nhà nước trung ương, đặt các hệ thống quan lại và kỷ cương mô phỏng theo khuôn mẫu của các triều đình phương Bắc. Nhưng quan hệ quyền lực trên thực tế vẫn dựa trên các quan hệ phụ dung (vassalage) giữa các thế lực vùng miền. Các thế lực công, hầu, bá ở các địa phương trông đợi ở thế lực vương tộc sự bảo hộ cho quyền lực và quyền lợi cát cứ của họ. Khi họ cảm thấy thế lực vương tộc không còn có khả năng này thì họ nhanh chóng ủng hộ một thế lực khác hoặc tự họ, nếu đủ mạnh, thu tóm quyền lực nhà nước, như trường hợp Trần Tự Khánh mở đầu cho Vương tộc Trần sau này. Khi Thái hậu Dương Vân Nga sai thủ lĩnh Nam Sách là Phạm Cự Lạng làm đại tướng để chuẩn bị đánh Tống thì Phạm Cự Lạng đã vào thẳng trong cung, “Nay chúa thượng còn nhỏ dại chưa hiểu biết được sự siêng năng, khó nhọc của bọn chúng tôi. Nếu như có một thước tấc công lao nào thì rồi ai biết cho. Không bằng cái cách là trước Thập Đạo Tướng Quân lên ngôi Thiên Tử rồi sau mới ra quân" (VSL). Điện tiền chỉ huy sứ Lê Hoàn lên ngôi. Khi Lê Ngọa Triều mất, con nối ngôi còn nhỏ, quan Chi hậu Đào Cam Mộc bàn với quần thần, “Bọn chúng ta không nhân lúc này mà lập Thân Vệ làm Thiên tử rồi bất chợt có biến thì còn giữ được người thủ lãnh không?" (VSL). Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên ngôi. Sấm kệ của Vạn Hạnh chỉ đóng vai trò của một công cụ tuyên truyền để thiết lập tính chính đáng ban đầu cho thế lực của mình mà thôi.

Cơ sở quyền lực của nhà nước Đại Việt của Lý Thái Tổ vẫn dựa trên mối quan hệ cân bằng giữa thế lực trung ương của “hoàng đế điền chủ” (chữ của Tạ Chí Đại Trường) và thế lực địa phương của các gia tộc điền chủ. “Hoàng đế điền chủ” thiết lập tính chính đáng lãnh đạo trên các thế lực khác bằng hai cách: i) dùng quyền lực quân sự để một mặt đè bẹp các thế lực chống đối mặt khác che chở các thế lực yếu hơn trong quan hệ phụ dung (vassalage), và ii) thiết lập một định chế có tính công lý cho việc thưởng phạt và hình luật như ban phát chức tước và quan hệ hôn nhân, một mặt cũng để củng cố quan hệ với các thế lực địa phương, và ban hành hình luật chung. Ngược lại các thế lực điền chủ địa phương chấp nhận vai trò bảo hộ và thường xuyên triều cống cho “hoàng đế điền chủ”. Những điền chủ, thủ lĩnh, lãnh chúa có công với vương triều được ban các tước công, hầu, bá và thăng quan tiến chức trong cơ chế nhà nước. (Tô Hiến Thành là trường hợp ngoại lệ được ban tước vương, một chức tước chỉ ban cho người của vương tộc, vì phải trông coi ấu chúa.) Đây là hai định chế quan trọng nhất cho sự ổn vững của quyền cai trị của vương triều.  Việc xây dựng chùa chiền, đền đài, thành quách ở những đời vua đầu khi vương triều đang lên được coi là biểu hiện của quyền uy nhưng từ đời Vua Anh Tông trở đi khi vương triều suy thoái lại chính là nguyên nhân đưa đến sự bất mãn trong xã hội, gây nên đói kém, loạn lạc.

Trong 5 năm đầu ở ngôi, Lý Thái Tổ phải tự mình đưa quân đi chinh phạt các thế lực chưa qui phục ở vùng biên châu Ái, châu Diễn. Từ năm 1014 trở đi, vua sai Dực Thánh Vương, Khai Quốc Vương, hoặc chính Thái tử Lý Phật Mã đi dẹp loạn. Làm vua 20 năm, 9 năm Lý Thái Tổ phải đương đầu với các thế lực chống đối địa phương.

Khi Lý Thái Tông nối ngôi, năm 1028, thì quyền lực của vương triều vẫn chưa ổn vững. Việc tranh giành quyền bính xảy ra trong nội bộ vương tộc. Dực Thánh Vương, Võ Đức Vương muốn giết Thái tử Phật Mã. Khai Quốc Vương làm phản ở Trường An. Liên tục các năm 1029, 1031, 1033, 1035, 1036, 1037, 1039 các thế lực địa phương nổi lên ở châu Ái, châu Hoan, châu Định Nguyên, châu Trệ Nguyên, rồi châu Ái, châu Đô Kim, Thường Tân, Bình Nguyên, Quảng Nguyên (Nùng Trí Cao). Năm 1042 châu Giao nổi loạn. Năm 1043, châu Ái lại nổi loạn. Lý Thái Tông ở ngôi 26 năm, 15 năm có loạn. Nhiều lần chính vua phải tự đem quân đi chinh phạt.

Số lượng những cuộc nổi loạn của các thế lực địa phương giảm đi trong hai đời vua kế tiếp. Đến đây, hơn nửa thế kỷ từ khi Lý Thái Tổ thiết lập vương triều, Vương tộc Lý mới thật sự khẳng định quyền lực của mình. Lý Thánh Tông ở ngôi 19 năm nhưng chỉ phải đương đầu với bốn cuộc phản loạn ở vùng biên vào các năm 1057, 1061, 1064, và 1065. Lý Nhân Tông, với chiến thắng Ung Ninh trên đất Tống năm 1074 và cuộc đại phá quân Tống hai năm sau đó trên sông Như Nguyệt, cả hai dưới sự lãnh đạo của Thái úy Lý Thường Kiệt, thuộc dòng họ Quách, đạt đến đỉnh cao của sự thịnh trị của vương triều. Ngoài cuộc tạo phản của quan Chi hậu hoằng Nguyễn Ba Tư, năm 1082, âm mưu đảo chính của Thái sư Lê VănThịnh, năm 1096, và âm mưu phản nghịch của Tô Hậu và Kỷ Sùng năm 1109, trong 56 năm làm vua, Lý Nhân Tông chỉ đối đầu với hai cuộc nổi loạn ở Động Sa Ma, năm 1083 và 1119. Chiến thắng quân Tống năm 1076 đã đem lại cho Vương tộc Lý sự chính đáng chính trị đủ để khuất phục các thế lực chống đối địa phương.

Mười năm tại ngôi của Lý Thần Tông, 1127-1137, không chứng kiến một cuộc nổi loạn nào. Sự ổn định chính trị này kéo dài đến giữa đời Vua Lý Anh Tông. Năm 1148, khi Phò mã Dương Tự Minh, thủ lĩnh châu Phú Lương, và quan Điện tiền chỉ huy sứ Vũ Đái đem quân đến ngoài cửa Việt Thành đòi lấy mạng quan Thái úy Phụ chánh Đỗ Anh Vũ, tình nhân của Thái hậu Cảm Thánh, thì tiến trình suy thoái chính trị của Vương tộc Lý đã bắt đầu.

Từ trong thời Bắc thuộc, địa bàn quyền lực Phong Châu đã hình thành theo các dòng họ. Vài thập niên trước độc lập, các dòng họ bản địa lớn đã xuất hiện trong cơ cấu quyền lực của chính quyền thuộc địa như dòng họ Khúc của cha con Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ, dòng họ Dương của Dương Đình Nghệ, Dương Tam Kha. Trước đó, thế kỷ thứ IV có dòng họ Đào của Đào Hoàng, con là Đào Uy, Đào Thục, cháu là Đào Tuy, Đào Khản thay nhau làm thứ sử. Thế kỷ thứ V có dòng họ Đỗ với Đỗ Viện, Đỗ Huệ Độ, Đỗ Hoàng Văn cũng thay nhau làm thứ sử. Bên cạnh đó bóng dáng của các dòng họ Ngô, họ Lý, họ Vương thấp thoáng ở chính trường trong suốt chiều dài 1000 năm Bắc thuộc.

Ra khỏi thời kỳ thuộc địa, mười hai sứ quân xuất hiện, đánh dấu quyền lực cát cứ của các dòng họ lớn trên bản đồ chính trị Đại Việt. Định Bộ Lĩnh, con trai của Thứ sử Châu Hoan Đinh Công Trứ, sau gia nhập sứ quân Trần Minh Công (Trần Lãm), đánh dẹp 11 sứ quân còn lại, thiết lập nền quân chủ, nhưng, như đã nói ở trên, đã không phá vỡ được các thế lực chính trị vùng miền của các dòng họ. Về cuối đời Lý, có những dòng họ quyền lực khác xuất hiện như họ Lê ở châu Ái, Đoàn ở châu Hồng và, đương nhiên, dòng họ Trần của Vương tộc Trần sau này ở Nam Định, bên cạnh dòng họ Tô của Tô Hiến Thành, Tô Trung Từ, họ Quách của Lý Thường Kiệt/Quách Tuấn và Quách Bốc, người gây chính biến ở Thăng Long sau cái chết của chủ soái Phạm Bỉnh Di để đẩy Vương tử Sảm, Vua Huệ Tông sau này, về trong vòng tay quyền lực của dòng họ Trần như sẽ nói thêm về sau.

Chính sử chỉ ghi lại lịch sử của dòng họ làm vua nhưng bóng dáng quyền lực của các dòng họ lớn, khi thì quan đại thần khi thì hoàng/thái hậu, vẫn ẩn hiện trong các vương triều. Một trong những dòng họ lớn đó là họ Đỗ của Đỗ Anh Vũ. Cùng thời, Toàn Thư cho biết Vua Lý Anh Tông cũng một Hoàng Thái hậu họ Đỗ, tên thụy là Chiêu Hiếu hoàng hậu. (Người họ Đỗ đầu tiên gây sóng gió trên chính trường Đại Việt là Đỗ Thích, kẻ đã giết chết Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn.) Nhà nước Đại Việt của Vương tộc Lý có tổ chức các cuộc thi cho con em của tầng lớp quyền lực để chọn người làm quan nhưng chỉ với số lượng rất giới hạn. Phần lớn quan lại của hệ thống nhà nước là được chọn qua các quan hệ phụ dung. Các quan đại thần được chọn bởi những cống hiến cho vương triều. Áp lực và ảnh hưởng chính trị của các dòng họ quyền lực sau hậu trường, trong bối cảnh thiếu vắng những định chế tuyển chọn nhân sự cho các cơ chế nhà nước, là mảnh đất màu mở cho hiện tượng tái thân tộc hóa xuất hiện và nảy nở. Thêm vào đó, các đời vua cuối của Vương tộc Lý lên ngôi lúc còn rất nhỏ, quyền bính hoàn toàn nằm trong tay của thái hậu và các đại thần, những người thuộc các dòng họ ngoài vương tộc. Chính trường trở thành nơi đấu trường của quyền lực dòng họ.

Đỗ Anh Vũ là quan thái úy, một chức quan đại thần, tương đương với tổng tư lệnh quân đội, đứng trên thái phó và thái bảo trong cơ chế tam thái (Nguyễn Duy Hinh). Thái úy Đỗ Anh Vũ có công dẹp loạn Thân Lợi, người tự nhận là con của Lý Nhân Tông từ Đại Lý trở về đòi lại vương quyền, năm 1139.

Toàn Thư ghi, “Khi trước vua còn trẻ thơ, chính sự không cứ việc lớn, việc nhỏ đều uỷ cho Đỗ Anh Vũ cả. Anh Vũ sai vợ là Tô thị ra vào cung cấm hầu hạ Đỗ thái hậu, do đó mà Anh Vũ tư thông với Lê thái hậu, nhân thế lại càng kiêu rông, ở triều đình thì khoát tay lớn tiếng, sai bảo quan lại thì hất hàm ra hiệu, mọi người đều liếc nhau nhưng không ai dám nói.” Điện tiền chỉ huy sứ Vũ Đái cùng với Phò mã Dương Tựu Minh đem quân đến bắt giam Đỗ Anh Vũ nhưng Vũ Đái lại nhận vàng đút lót của thái hậu để tha mạng cho Anh Vũ. Lúc ngồi nghe xử án Đỗ Anh Vũ, Vua Anh Tông mới 13 tuổi. Anh Vũ thoát chết, và dưới ảnh hưởng quyền lực của thái hậu, được xá tội nhiều lần rồi được tha, trở lại làm quan Thái úy phụ chánh như cũ. Đỗ Anh Vũ cho thành lập một tổ chức mật vụ riêng gọi là Phụng vệ đô. Ai có tội đều bị giao cho Phụng vệ đô xét xử. Đỗ Anh Vũ chém Vũ Đái ở Giang Đầu, đày Dương Tự Minh lên vùng nước độc để trả thù. Đó là năm 1150.

Hơn 70 năm sau Vương triều Lý mới chấm dứt nhưng biến cố này đã đánh dấu sự kết thúc thời kỳ thịnh trị của vương tộc. Những năm kế tiếp, hiện tượng các thế lực địa phương nổi loạn lại xuất hiện, cùng với các sự kiện báo hiệu suy thoái. Vua xuống chiếu cấm Điện tiền chỉ huy sứ và quan chức hỏa đầu không được làm việc ở nhà riêng, ai sai phạm sẽ bị đày. Lính canh không được tự tiện vào cung. Quan trong triều không được qua lại gia môn của các vương hầu, “ở trong cung cấm không được hội họp nhau năm, ba người bàn luận chê bai, ai phạm thì trị tội” (TT). Các gia tộc quyền thế không được tự tiện thu nhận các hạng người trong dân chúng. Gia nô của vương hầu không được xăm hình rồng ở ngực. Lụt lội. Kho của vua bị cháy, giá gạo tăng, có nạn đói. Năm 1063, Toàn Thư ghi, "lính chốn rủ nhau tụ họp thành bọn cướp bóc cư dân trên đường bộ.

(Xung đột giữa các thế lực cung đình tiếp tục. Năm 1058, Nguyễn Quốc Dĩ, đi sứ bên Tống về, dâng kế đặt một cái án ở triều đình để ai có gì tâu lên vua thì viết bỏ vào án. Chỉ trong mươi ngày thì văn thư đã đầy án, trong đó có một thư nặc danh tố cáo Đỗ Anh Vũ sắp làm phản. Đỗ Anh Vũ tâu với vua thư đó là của người dâng kế làm án muốn hãm hại quan thái úy. Nguyễn Quốc Dĩ bị đày. Đỗ Anh Vũ cho người đem thuốc độc đến ép Quốc Dĩ chết.)

Năm Thiên Cảm Chí Bảo thứ 2, Ất Mùi, 1175, Vua Lý Anh Tông chết. Trước đó, Vua đã phế Thái tử Long Xưởng, giáng xuống là Bảo Quốc Vương. Chính sử ghi là do Long Xưởng phạm tội tư thông với cung phi. Nhưng không loại trừ khả năng của những vận động quyền lực dòng họ ở hậu trường: Thái tử Long Cán, con thứ sáu của Vua Anh Tông, có mẹ là một bà hoàng hậu họ Đỗ. Thái tử Long Cán lên ngôi, là Vua Lý Cao Tông, lúc mới 2 tuổi, bắt đầu một thời kỳ suy thoái và biến động mới, với sự xuất hiện của người em trai Thái hậu ở vị trí quyền lực cao nhất.

Người này có tên là Đỗ An Thuận (hay Đỗ An Di, theo Toàn Thư).


 Tháng giêng năm đó, Tô Hiến Thành được phong tước vương, chức thái phó bình chương quốc quân trọng sự (được tham gia bàn chuyện triều chính) để giúp đỡ Đông cung Thái tử Long Cán. Lúc Vua Lý Anh Tông bịnh nặng, Tô Hiến Thành ẳm thái tử nhiếp chính. Vua Cao Tông lên ngôi, Tô Hiến Thành được phong thái úy. Đỗ An Thuận, người em của Đỗ Thái hậu, được phong thái sư đồng bình chương sự (cùng tham gia bàn chuyện triều chính).

Cái tên Đỗ An Thuận chỉ xuất hiện một lần trước đó trong Toàn Thư (Đỗ An Di). Mười lăm năm trước, 1161, khi Vua Anh Tông sai Tô Hiến Thành đem quân đi tuần ở biên giới Tây Nam, Tô Hiến Thành làm đô trưởng, Đỗ An Thuận làm phó. Không thấy Việt Sử Lược nhắc đến Đỗ An Thuận trước khi nhân vật này nắm quyền lực tối cao của vương triều. Năm 1179, lúc Vua Cao Tông chỉ mới 6 tuổi, trước khi chết, Tô Hiến Thành tiến cử quan Giám nghị Đại phu Trần Trung Tá thay mình. Nhưng Đỗ Thái hậu không dùng, lập em mình là Đỗ An Thuận làm phụ chính. Việt Sử Lược ghi, “Người thời bấy giờ kinh sợ oai quyền của ông”. Quyền lực vương triều từ đó nằm trong tay hai chị em họ Đỗ.

Trên không chính thì dưới sẽ loạn. Không thấy chính sử nói gì thêm về tác động của những xoay xở và giàn xếp quyền lực của vương triều bởi chị em Đỗ Thái hậu đối với các thế lực địa phương. Nhưng những sự kiện xảy ra kế tiếp cho thấy nội lực của vương triều đang cạn kiệt.

Năm 1181, Bảo Quốc Vương Long Xưởng, thái tử bị phế vì tội tư thông với cung phi trước đây, dẫn đám gia nô đi cướp bóc. Cùng năm đó có nạn đói lớn, “dân chết gần một nửa”. Không thấy Toàn Thư nhắc gì về lý do của nạn đói. Việt Sử Lược chỉ có vỏn vẹn một câu, “Đầu mùa thu lụt lội, nước tràn vào điện Vĩnh Quang và điện Hội Tiên”. Lụt lội vẫn thường xảy ra, vài năm một lần. Nhưng để dân đói kém đến mức “chết gần một nửa” thì phải chắc hẳn phải có những nguyên nhân khác. Mười năm trước đó cũng không thấy vua cho xây dựng đền đài, chùa chiền gì đến mức phải gây ra đói kém. Có điều gì đang xảy ra với các thế lực quyền lực ở địa phương. Cướp bóc càng lúc càng nhiều. Năm 1182, Thượng tướng Ngô Lý Tín phải dân quân đi bắt cướp.

Năm 1184, làng Tư Nông, Trịnh, Ô Mễ nổi loạn. Thái phó Vương Nhân Từ đưa quân đi dẹp và bị đánh bại ở La Ao. Vương Nhân Từ chạy về núi An Cối và bị vây giết. Việt Sử Lược ghi, “Vua sai Thái phó Vương Nhân Từ đánh dẹp”. Nhưng Cao Tông lúc đó mới 11 tuổi. Cái lệnh sai vị Thái phó họ Vương đi dẹp loạn chắc chắn là từ hai chị em Đỗ Thái hậu. Sức mạnh quân sự của vương triều lần đầu tiên bị thách thức bởi các thế lực địa phương. (Năm sau, Kiến Ninh Vương Lý Long Ích dẫn 12 ngàn quân đi báo thù trận La Ao, bắt và dùng gậy đánh chết thủ lĩnh Đinh Võ rồi “đem phơi khô cái thịt bọn ấy”(VSL)). 

Năm 1189, Thái phó Ngô Lý Tín, lúc này, sau khi Đỗ An Thuận chết, đã giữ chức phụ chính, cùng Đô quan lang trung Lê Năng Trường xét xử một vụ kiện tụng liên quan đến Thiếu sư Mạc Hiển Ích. Thiếu sư họ Mạc có quan hệ tư thông với thái hậu nên quan thần rất sợ ông. Quan thái phó phụ chính và quan đô lang trung cũng không dám đụng đến. Dân chế giễu: Ngô Phụ quốc thị lan, Lê Đô quan thị kích. Sử gia Tạ Chí Đại Trường diễn nôm, “Ngô Phụ quốc là lồn, Lê Đô quan là cứt”.

Năm 1088 Đỗ An Thuận chết. Hai năm sau, chị là Thái hậu Chiếu Thiên chết. Hai chi em họ Đỗ ra khỏi chính trường. Lúc đó Vua Cao Tông 17 tuổi. Quan phụ chính lần lượt là Ngô Lý Tín, và khi Lý Tín chết Đàm Dĩ Mông lên thay.

Năm 1192, Thủ lĩnh Lê Vãn ở giáp Cổ Hoành, Thanh Hóa, nổi loạn. Thái phó Đàm Dĩ Mông đi đánh dẹp. Cùng năm đó, Hồ Điệp ở châu Diễn nổi loạn. Đàm Dĩ Mông lại phải đưa quân đi đánh. Hai năm sau, 1094, Thủ lĩnh Hà Lê ở châu Chân Đăng nổi loạn. Đàm Dĩ Mông đi đánh và bắt được.

Đến đây, xã hội đã có dấu hiệu rối loạn. Tầng lớp tăng đồ, chổ dựa của vương tộc ở các chùa chiền được xây bằng tiền bạc của vương triều khắp nơi ở các địa phương, suy thoái và trở thành gánh nặng. Năm 1198, Thái phó Đàm Dĩ Mông tâu với vua, “Bọn tăng đồ tự kết làm bè đảng, lập càn người lên làm chủ, tụ họp thành từng nhóm làm nhiều việc dơ bẩn. Hoặc ở giới trường, tịnh xá thì công khai ăn thịt, uống rượu. Hoặc nơi thiền phòng, tịnh viện thì kín đáo tự gian dâm với nhau. Ban ngày thì ẩn núp, ban đêm thì làm như chồn như chuột” (VSL). Vua cho giữ lại vài chục người làm tăng, số còn lại cho hoàn tục.

Tháng 10, năm 1202, Vua Cao Tông đi chơi ở cung Hải Thanh, nghe gãy đàn Bà Lỗ và nhạc Chiêm Thành, Tăng phó Nguyễn Thường can gián, “Tôi thấy lời tự trong Kinh Thi rằng, âm thanh lúc nước loạn thì ai oán, để tỏ ý căm giận cái chính trị bạo ngược; âm thanh hồi nước mất thì đau thương, để tỏ ý lo cho dân trong cảnh khốn cùng cơ cực. Nay chúa thượng đi tuần du không có chừng mực, chế độ chính trị và việc giáo hoá thì trái ngược, dân chúng ở dưới thì sầu khổ. Sự nguy khốn đến thế thì thật là tột mức, mà ngày nay nghe cái âm thanh ai oán thì không phải đó là cái điềm loạn ly vong quốc hay sao?” (VSL)Sử gia Tạ Chí Đại Trường bình, “đó là cảm ứng của giai đoạn suy tàn chứ nền nhạc, tiếng hát kia vốn đã được đặt ra, biểu diễn theo âm khúc của kẻ bại trận vào thời ông vua quyền uy Thánh Tông (1060) mà không thấy điềm ứng triệu mất nước đâu cả”.

Cái cảm ứng của quan Tăng phó Nguyễn Thường phản ảnh thực tại xã hội u ám, báo hiệu một thời loạn lạc đang đến và sự sụp đổ không tránh khỏi của vương triều. Nhưng phải đến năm năm sau, 1207, Vua Cao Tông mới tỉnh ngộ để ra cái chiếu chỉ muộn màng “Trẫm xin cải hối, Trẫm tự sửa chữa lỗi lầm để về sống cùng với dân”.

Cái cơ chế thân tộc hóa làm suy thoái vương triều trang bị cho các cơ quan quyền lực của nhà nước một lực lượng quan chức bất tài. Năm 1204, Đại Hoàng, quê hương của Đinh Bộ Lĩnh, nổi loạn. Vua sai quan Thái bảo phụ quốc Đỗ Kính Tu đi dẹp loạn. Kính Tu sợ, chỉ dẫn quân tiến đánh các đạo chung quanh rồi dâng thư nói dối là binh lính bịnh do thời tiết nóng và đã cạn lương thực. Vua cho triệu quân về. Vua sai quan Nội hầu Đỗ Anh Doãn đi đánh. Doãn đánh không thắng, lại kéo quân về. Năm sau, đến lượt Đàm Dĩ Mông, quan phụ chính vương triều cũng bị Thủ lĩnh Đại Hoàng là Phí Lang đánh bại.

Quan Thượng thẩm phụng ngự Phạm Du, năm trước nhận tiền hối lộ của thế lực họ Đoàn ở châu Hồng để xin vua rút quân của Đàm Dĩ Mông về không đánh, năm sau làm Tri châu Nghệ An xin vua cho lập đội quân riêng rồi tụ tập đám du thủ du thực chia nhau đi cướp bóc. Cũng chính Phạm Du vì hiềm khích đã giết chết một quan Thượng thẩm phụng ngự khác là Phạm Bỉnh Di để gây nên cái họa Quách Bốc, đẩy Vương tử Sảm về Hải Ấp của cha con họ Trần.

Như là để biểu thị quyền uy của vương triều, Vua Cao Tông cho xây dựng các cung điện. Việt Sử Lược bình, “kiến trúc đẹp đẽ này xưa chưa có”. Có lẽ cảm thấy ngân khố nhà nước không đủ để đương đầu với các thế lực nổi loạn, trang trải các chi phí xây dựng cung điện và đời sống xa hoa, Vua Cao Tông cho bán các chức quan buôn ngục. Việt Sử Lược ghi, “kho đụn nhà nước thì tiền của chất chứa như núi mà trăm họ thì than thở oán trách, giặc cướp nổi lên như ong”.

Đến lúc này, chừng như cảm nhận được mối nguy đến sinh mạng của vương tộc trước sự bất mãn và oán giận của dân chúng và sự uy hiếp của các thế lực địa phương, Vua Cao Tông xuống chiếu bày tỏ sự ân hận về những sai lầm của mình, lời lẽ thống thiết. "Trẫm đang lúc còn nhỏ mà phải gánh vác cái sự nghiệp lớn lao, ở chỗ kín tầng sâu xa mà không biết được những việc gian khổ của dân, lại tin dùng lời tâu rỗi của kẻ tiểu nhân để rước lấy sự oán trách của lớp người ở dưới. Nhân dân đã đều oán trách, Trẫm sẽ trông cậy vào ai? Bây giờ, Trẫm xin cải hối, Trẫm tự sửa chữa lỗi lầm để bắt đầu sống cùng với dân. Những người có đất đai, sản nghiệp bị mất về tay các quan thì được trả lại tất cả” (VSL).

Lời thề nguyền về lại với dân của Vua Cao Tông đến quá trễ. Năm sau lại có nạn đói, “người chết nằm gối lên nhau” (VSL).

Ở thời điểm này của tiến trình suy thoái, những cá nhân kiệt xuất của Đại Việt đều đã ở ngoài các cơ cấu quyền lực của nhà nước. Họ đang bận rộn gầy dựng thế lực của họ ở địa phương và đem quân đi cướp bóc khắp nơi. Quyền lực của chính quyền trung ương hoàn toàn bất lực đối với họ. Chính sử coi họ là loạn nhưng vương tộc nhanh chóng thấy mình phải dựa vào quyền thế của họ để tồn tại, và rồi cũng phải  giao lại vương quyền cho thế lực mạnh nhất trong đám họ.

Họ là ai?
 Thời kỳ ổn định chính trị của vương triều, từ sau đại thắng quân Tống trên sông Như Nguyệt năm 1076, kết thúc với loạn Thân Lợi năm 1139, hai năm sau khi Lý Anh Tông lên ngôi. Vua Lý Nhân Tông không có con nối dõi, lập con của người em là Lý Dương Hoán làm thái tử, sau này là Vua Lý Thần Tông. Khi con Vua Thần Tông là Anh Tông lên ngôi, Thân Lợi tự nhận là con Vua Lý Nhân Tông từ Đại Lý về chiếm châu Thượng Nguyên, đòi lại ngai vàng. Thân Lợi bị đánh bại.

Dưới hai đời vua Anh Tông và Cao Tông, các thế lực vùng biên Sơn La, Thanh Hóa, vẫn liên tục nổi loạn và bị dập tắt. Năm 1203, con cháu của Đinh Tiên Hoàng nổi loạn ở Đại Hoàng. Từ đây về sau, các cuộc nổi loạn của thế lực địa phương không chỉ xảy ra ở vùng biên mà càng lúc càng gần kinh đô Thăng Long. Khi nhận thấy quyền lực vương triều không còn đủ mạnh, các thế lực địa phương trổi dậy và đánh phá lẫn nhau. Quan chức của nhà nước cũng ráo riết xây dựng lực lượng riêng để tranh giành ảnh hưởng, như trường hợp quan Thượng thẩm phụng ngự Phạm Du đã nói ở trên. Chính sử gọi họ là giặc cướp. Đáng kể nhất trong các thế lực “giặc cướp” này là dòng họ Đoàn ở châu Hồng và dòng họ Trần ở Thuận Lưu.

Các danh tướng tài ba của Đại Việt lúc đó như Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn, và đặc biệt là Trần Tự Khánh, con trai Trần Lý, đều là thủ lĩnh của các thế lực này. Quyền lực của nhà nước đã cạn kiệt bởi đám quan lại bất tài và hèn nhát như Phạm Du, Đàm Dĩ Mông. Vương tộc phải dùng chức tước để lôi kéo các thế lực bên ngoài về với mình để chống lại các thế lực khác. Đoàn Thượng của châu Hồng trước đó là giặc nhưng sau được phong tước hầu, cùng Đàm Dĩ Mông đi đánh Trần Tự Khánh. Rồi để phủ dụ ông, vua lại phong cho Trần Tự Khánh tước hầu, làm quan phụ chính và đi dẹp các thế lực khác. Vương triều Lý trên thực tế đã sụp đổ. Những diễn tiến còn lại chỉ là việc thực hiện chiến tranh giữa các thế lực để thế lực mạnh nhất lên nắm vương quyền. Khi Trần Thủ Độ ép Vua Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh thì quyền lực vương triều hoàn toàn nằm trong tay họ Trần.

Khi quan Thượng thẩm phụng ngự Phạm Du giết quan Thượng thẩm phụng ngự Phạm Bỉnh Di thì thuộc tướng của Bỉnh Di là Quách Bốc đem quân chiếm kinh thành, đưa Vương tử Thẩm lên làm vua. Vương tử Sảm, nhỏ tuổi hơn nhưng là con trưởng dòng chính của hoàng hậu họ Đàm, chạy về nương nhờ quyền thế của Trần Lý ở Hải Âp. Trần Lý lập Vương tử Sảm làm vua và gả con gái thứ hai của mình cho Sảm. Trần Lý được phong tước Minh tự, em vợ là Tô Trung Tự làm Điền tiền chỉ huy sứ. Đàm Dĩ Mông được phong thái úy.

Mọi chuyện xảy ra lúc vua cha là Cao Tông vẫn còn sống. Vua sai Phạm Du cùng thế lực châu Hồng đi đánh Thuận Lưu. Tô Trung Tự, sợ cái tội lén lút nhận chức tước của Vương tử Sảm, bắt Sảm đem về kinh thành. Đàm Dĩ Mông cũng cho bắt những người đã nhận chức tước của Sảm để chuộc cái tội mình cũng lén lút nhận chức thái úy. Quan Thái phó phụ chính Dĩ Mông về triều bị quan Nội hầu Đỗ Anh Doãn mắng.

Lúc Vua Cao Tông chết, Vương tử Sảm lên ngôi, là vua Lý Huệ Tông, năm 1210. Quyền lực vương triều vẫn do đám quần thần bất tài nắm giữ. Quan Thái bảo phụ quốc Đỗ Kính Tu của Vua Cao Tông, người sáu năm trước đưa quân dẹp loạn Đại Hoàng thất bại, nay được phong thái úy. Quan thái úy âm mưu giết Điện tiền chỉ huy sứ Tô Trung Tự, bị quan Chi hậu phụng ngự là Đỗ Quảng bắt giao cho Trung Tự. Trung Tự dìm nước giết chết Đỗ Kính Tu. Tô Trung Tự quay sang dẹp loạn Đỗ Quảng khi ông này cùng quan Nội hầu Đỗ Thế Qui khỏi binh làm phản. Rồi Tô Trung Tự làm Chiêu thảo đại sứ, Đàm Dĩ Mông trở lại với chức thái úy. Đàm Dĩ Mông còn được phong tước vương. Trước Đàm Dĩ Mông chỉ có Tô Hiến Thành, người nhiếp chính lúc Vương tử Long Cán còn nhỏ, được phong vương. Việc Dĩ Mông được phong vương cho thấy sự tuyệt vọng của vương tộc trong việc dùng chức tước để mua chuộc các thế lực về với mình. Năm sau, Tô Trung Tự thay Đàm Dĩ Mông làm thái úy. Tô Trung Tự đang đêm trốn đi tư thông với Công chúa Thiên Cực, người cũng có quan hệ tư thông với quan Thượng thẩm phụng ngự Phạm Du, bị chồng là quan Nội hầu Vương Thượng giết.

Lúc này thì thế lực họ Trần đã rất mạnh. Lúc lên ngôi, Huệ Tông cho người đón vợ là con gái của Trần Lý, em của Trần Tự Khánh, về cung. Tự Khánh không cho. Tháng Giêng năm sau lại cho người đi đón, Tự Khánh cũng không cho. Lần thứ ba, Trần Tự Khánh mới cho phép Vua Huệ Tông đón em mình về, và bà được lập làm nguyên phi. Thực lực của họ Trần ở Thuận Lưu đủ mạnh để Trần Tự Khánh có thể thương lượng vai vế ở hậu cung cho em gái của mình. Mỗi lần Trần Tự Khánh đem binh về triều, ngay cả khi để viếng tang Vua Cao Tông, đều gây nên nổi sợ hãi cho vương tộc, quần thần, và các thế lực khác.

Khi Tô Trung Tự, cậu ruột của Trần Tự Khánh, chết Trần Tự Khánh và anh là Trần Thừa bắt đầu xúc tiến các kế hoạch thu tóm quyền lực. Đối thủ lớn nhất của họ là dòng họ Đoàn ở châu Hồng. Đoàn Thượng và Đoàn Văn Lôi đem binh về kinh thành, tâu với vua là Tự Khánh muốn phế lập. Vua phong cho Đoàn Thượng, thủ lĩnh châu Hồng làm phản năm 1207, tước hầu, vận binh đi đánh Trần Tự Khánh, giáng nguyên phi họ Trần làm ngự nữ.

Trần Tự Khánh lần lượt thu phục các thế lực nhỏ ở châu Hồng và các vùng lân cận. Cuối năm 1211, Khánh đem binh đến đóng ở bến Tế Giang, uy hiếp kinh thành. Thái hậu nghi ngờ Trần Tự Khánh muốn phế lập dù ông đã cắt tóc thề mình không có ý làm phản. Để trừ hậu họa, thái hậu cho bắt Nhân Quốc Vương và hai vương tử khác ném xuống giếng rồi đem thây phơi ngoài cung. Khánh liên kết với Nguyễn Tự chia nhau cai quản Bắc Giang. Để kéo thế lực đang lên của Khánh về phía mình, Vua Huệ Tông ban cho Khánh tước hầu, xuống chiếu ra lệnh cho bá quan văn võ phải nghe lệnh Chương thành hầu Trần Tự Khánh.

Lo sợ quyền lực quá lớn của Trần Tự Khánh, tháng Giêng năm 1213, vua lại sai Đàm Dĩ Mông cùng Đoàn Thượng đi đánh Trần Tự Khánh. Tháng 3 năm đó, vua tự mình đem quân đánh nhau với Khánh. Trần Tự Khánh chiếm châu Quốc Oai của họ Đoàn. Tháng 4, vua lại sai Đàm Dĩ Mông đi đánh Khánh.

Tháng Giêng năm sau, 1214, Trần Tự Khánh đưa quân, chia làm hai đạo thủy bộ, do các tướng Nguyễn Nộn, Trần Thừa, Trần Thủ Độ, Trần Hiến Sâm, Phan Lân, Nguyễn Ngạnh, Vương Lê, Nguyễn Cải cầm đầu đi đánh kinh thành. Vua và thái hậu trốn lên Lạng Châu. Khánh cắt tóc dâng vua bày tỏ lòng thành của mình, xin vua về. Vua và thái hậu vẫn không về. Tháng 2, Trần Tự Khánh kêu họp vương hầu, lập người con của Vua Anh Tông (ông nội của Vua Huệ Tông đang chạy loạn) là Huệ Văn Vương làm vua.

Họ Đoàn ở châu Hồng vẫn không phục. Thủ lĩnh đạo Bắc Giang Nguyễn Nộn phải đi đánh dẹp. Nhưng các tướng Nguyễn Nộn, Phan Lân lại làm phản. Trần Tự Khánh chém Phan Lân. Nguyễn Nộn trốn về Bắc Giang và được phong tước hầu, năm sau phong cho tước vương. Tháng Giêng năm 1215, Vua Huệ Tông xuống chiếu kể tội Trần Tự Khánh và huy động các thế lực địa phương khác cùng nhau chống Khánh. Trần Tự Khánh cho quân đi cướp bóc, đốt phá kinh thành, lấy mũ Bình Thiên và ngai vàng về làm của riêng.

Biết không thể khuất phục được thế lực Thuận Lưu, tháng 5 năm 1216, Vua Huệ Tông cùng vợ họ Trần trốn về với Trần Tự Khánh. Trần Tự Khánh quyết đánh dẹp Nguyễn Nộn ở Bắc Giang, Đoàn Văn Lôi ở châu Hồng, Hà Cao ở châu Qui Hóa, cùng các vương tước khác đi theo thái hậu. Trần Thừa được phong Liệt hầu, Trần Tự Khánh làm thái úy, “những lúc triều bái không phải xưng tên” (VSL). Con của Trần Thừa là Trần Liễu (anh của Trần Cảnh, cha của Trần Hưng Đạo sau này) làm quan nội hầu. Con của Trần Tự Khánh được phong tước vương.

Chín năm cuối cùng của Vương tộc Lý là chỉ để mua thời gian cho dòng họ Trần khuất phục các thế lực còn lại. Năm 1217, Đoàn Thượng đem quân về hàng, được phong tước vương. Năm sau, Trần Tự Khánh gã người em gái cho Đoàn Văn Lôi, châu Hồng theo về. Dòng họ Đoàn qui phục. Năm 1219, Nguyễn Nộn chết, thái hậu và các con vua về hàng.

Năm 1223, Trần Tự Khánh chết, “vua cùng Thái hậu đến viếng tang rồi khóc hết sức thảm” (VSL). Ông được đặt tên thụy là Kiến Quốc Vương. Nhưng công lao kiến quốc của ông không phải là để cho Vương tộc Lý. Năm 1225, Trần Thủ Độ soán đoạt vương quyền về cho dòng họ mình. Con trai Trần Thừa là Trần Cảnh lên ngôi, mở đầu một vương triều mới.


1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Anh Vũ thoát chết, và dưới ảnh hưởng quyền lực của thái hậu, được xá tội nhiều lần rồi được tha, trở lại làm quan Thái úy phụ chánh như cũ. Đỗ Anh Vũ cho thành lập một tổ chức mật vụ riêng gọi là Phụng vệ đô. Ai có tội đều bị giao cho Phụng vệ đô xét xử. Đỗ Anh Vũ chém Vũ Đái ở Giang Đầu, đày Dương Tự Minh lên vùng nước độc để trả !