Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Nhìn sang bên cạnh một yis:

THẢO LUẬN

Vấn đề của nghệ thuật Trung Quốc là gì? 23. 01. 11 - 7:07 pm

Chris Moore - Hồ Như Mai dịch
Zang-Xiao-Gang
Câu hỏi nghe rất nặng ký. Nghe xong phản ứng đầu tiên cứ phải là tìm xem có ngoặc đơn ngoặc kép nào không – xem thử thực ra người ta hỏi cái gì ở đây? Trung Quốc luôn bị chỉ trích, có khi đúng, có khi lạc đề và cũng có khi trật lất. Tương tự như thế, nghệ thuật Trung Quốc vẫn hay bị chê là hời hợt, sáo rỗng, lặp đi lặp lại, khoa trương và giá cả trên trời. Nhưng thực hư thế nào? 

1. Định kiến

Arthur Solway, giám đốc nhà trưng bày James Cohan Thượng Hải, cho rằng vấn đề chủ chốt của nghệ thuật Trung Quốc chính là nhận thức. Ý niệm đầy mâu thuẫn về một loại “Nghệ thuật Trung Quốc” đồng nhất là tồn tại trong tâm trí, chứ chưa hẳn là trên canvas, trên bệ đỡ hay DVD. Bên ngoài Trung Quốc dường như ai cũng là chuyên gia về nghệ thuật Trung Quốc, tức là ai cũng có thể mơ hồ nhớ lại gương mặt cười nhăn nhở (tranh của Yue Min Jun) hay một em bé màu đỏ (tranh của Zhang Xiao Gang). Thực ra nghệ thuật Trung quốc không chỉ có vậy, mà phức tạp và đa dạng hơn nhiều. Nếu chỉ vì chính phủ Trung Quốc làm bạn bực mình, cũng đừng vì thế mà ghét lây sang nghệ thuật nước này. Suy cho cùng, bạn có đối xử với nghệ thuật Mỹ hay Iran như vậy không? 
Yue-Min-Jun
 
2. Các điểm trưng bày công cộng
Đành rằng có nhiều nghệ sĩ chỉ muốn đứng ngoài sự bảo trợ của chính quyền, một hệ thống gallery và bảo tàng công cộng chuyên nghiệp là thực sự cần thiết đối với bất kỳ một nền nghệ thuật khỏe mạnh nào. Việc xây dựng một bộ sưu tập cho công chúng, xuất phát từ lý do gìn giữ di sản lịch sử văn hóa chính là một đặc tính cơ bản của tất cả các nền nghệ thuật phát triển, kể cả ở phương Tây và nhiều nơi ở Trung Đông và châu Á (chẳng hạn như Nhật Bản và Hàn Quốc). Đương nhiên cũng không hẳn là vậy nếu những điểm trưng bày công cộng, chẳng hạn như bảo tàng nghệ thuật Thượng Hải đòi hỏi phải trả tiền công sắp đặt trưng bày thay vì hỗ trợ một nhóm giám tuyển độc lập và chặt chẽ ngay trong chính bảo tàng. Những bảo tàng vừa công vừa tư ở Trung Quốc, chẳng hạn như Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Zenda ở Thượng Hải và Bảo tàng Nghệ thuật Ngày nay ở Bắc Kinh không phải là không có khiếm khuyết nhưng họ vẫn thường cho ra mắt được nhiều buổi trưng bày xuất sắc – ví dụ như triển lãm Dawn Mist Separation (Tan rời sương sớm) của Yang Fudong ở Zeadai hồi đầu năm thực sự để lại tiếng vang. Mặt khác, chuyện chính quyền Hồng Kông gần đây đã bỏ qua cơ hội xây một bảo tàng nghệ thuật hiện đại ở khu phố cảnh sát cũ, để đi xây thêm một khu mua sắm đúng là vừa vô duyên vừa đáng xấu hổ. 
Yang Fudong, Dawn Mist, Separate Faith (2009)

3. Chủ nghĩa quốc gia

Nghệ thuật của các nước đang phát triển thường nêu cao chủ nghĩa quốc gia, các nhà sưu tầm chỉ thích những tác phẩm ao nhà hơn bất kỳ mọi tác phẩm nào khác, chẳng cần biết chất lượng ra sao. Đây cũng là vấn đề khá nổi cộm ở Trung Quốc. Nghệ sĩ thường đắm mình trong những kiểu cách nông cạn của các thể loại hình tượng quốc gia dân tộc. Tuy nhiên cũng có những nghệ sĩ giỏi hơn, biết biến ngay chính điểm yếu thành đơn thuần là phương tiện. Xu Bing, Ai Wei Wei, Cai Guo Qiang, Qiu Zhi Zhe, Xu Zhen và Yang Fudong đều có khả năng làm việc trong bối cảnh nghệ thuật Trung Quốc và thế giới. (Xem thêm Tính châm biếm
Prada Men Summer của Yang Fudong
4. Phê bình
 Trung Quốc rất cần có thêm những nhà phê bình độc lập giỏi hơn. Việc rất nhiều tạp chí nghệ thuật Trung Quốc dựa vào các gallery thương mại và các nhà quảng cáo để được trả tiền cho nội dung in thực là đáng ngại. Nó cũng góp phần làm tổn hại danh tiếng của nghệ sĩ và độ tin cậy của thị trường. Trong lúc đó, những nhà phê bình đánh du kích từ phương Tây nhảy vào, trong đầu đã có sẵn những ý niệm của riêng mình về nghệ thuật Trung Quốc. Họ rõ là cần phải bớt kiêu ngạo đi một chút, và có lẽ là biết lắng nghe trước khi đưa ra nhận xét (đầy định kiến). 

5. Tính châm biếm

Tính châm biếm dường như được coi trọng quá đáng. Mao, bộ quần áo lãnh tụ, MacDonalds và Coca Cola, gái trẻ đẹp chân dài môi mọng, trẻ con ú na ú nần, chó xanh- vân vân và vân vân đến phát ớn! Sự nhạo báng mỉa mai này không thể nào thay thế được cho phê bình nghiêm túc và trí tuệ. Tôi không nói rằng nên bài trừ hẳn tính châm biếm ra khỏi nghệ thuật (thật là một ý tưởng điên rồ!) nhưng rõ ràng tính châm biếm không nên trở thành cây nạng chống, hay tệ hơn là một thứ máy sản xuất ý tưởng nghệ thuật ma quái, liên tiếp nhai lại những ý tưởng nhạt nhẽo. 
Mao I: From the Masses, To the Masses của Zeng Fanzhi
6. Kiểm duyệt

Sự kiểm duyệt cũng bị làm quá lên. Phương Tây cứ chăm chăm vào chuyện kiểm duyệt ở Trung Quốc đến mức mù quáng. Đúng là có kiểm duyệt nhưng nghệ thuật ở Trung Quốc đâu chỉ có vậy. Nghệ thuật Trung Quốc cũng đa dạng như nghệ thuật ở những nền dân chủ tự do, và rõ là nghệ sĩ Trung Quốc có nhiều đất sáng tạo hơn là cứ phải tập trung vào chuyện kiểm duyệt (đồng thời cũng có nhiều rào cản để vượt qua hơn). Dù sao đi nữa, cũng giống như ở Tiệp Khắc cũ, lúc nào cũng có nhiều cách để thể hiện quan điểm mà không chạm đến sự can thiệp của chính quyền, vì thông thường nghệ sĩ thông minh hơn những người kiểm duyệt nhiều. Kiếm duyệt chỉ đơn giản là một công cụ thể hiện quyền kiểm soát và mặc dù kiểm duyệt phổ biến hơn ở Trung Quốc so với ở Thụy Điển, quyền tự do sáng tạo ở Trung Quốc vẫn khá mạnh hơn ở Miến điện, hay thậm chí là ở cả Singapore. (Xem thêm Phê bình).
Ai Wei Wei – nghệ sĩ thuộc hàng “rắc rối” nhất ở Trung Quốc
7. Sự trưởng thành
 Mọi người thường dễ quên rằng 12 năm trước đây ở Trung Quốc thậm chí còn không có cả thị trường nghệ thuật đương đại. Ở đất nước này một phòng trưng bày hơn 6 năm tuổi đã được xem là khá kỳ cựu. ShanghART tuổi đời mới 12 thì được liệt vào hàng cây đa cây đề. So với những gallery hàng đầu ở Mỹ và châu Âu thì rõ là thị trường nghệ thuật ở Trung Quốc vẫn còn khá mới mẻ và còn nhiều thứ để tự học hỏi. Và phải nói rằng sự học đó đang diễn ra nhanh, rất nhanh nữa là khác. 

8. Tiền

Giả định rằng thị trường nghệ thuật Trung Quốc (gồm tất cả các nghệ sĩ) suốt ngày chỉ nghĩ đến tiền và mang nặng tính thương mại cũng mang tính suy đoán hơn là thực tế. Trung bình nghệ sĩ phương Tây vẫn được trả công nhiều hơn các đồng nghiệp Trung Quốc, thậm chí là những người ở đỉnh cao như Ai Wei Wei, Cai Guo Qiang hay cả Zhang Xiao Gang (khiến nghĩ đến Jeff Koons hay Peter Doig). Hơn nữa, không như ở phương Tây, nghệ sĩ Trung Quốc thường rất ít khi nhận được hỗ trợ tài chính từ chính phủ (màn trình diễn pháo hoa của Cai Guo Qiang tại Thế vận hội Bắc Kinh là một ngoại lệ). Thực tế nhiều nghệ sĩ thích hệ thống phòng trưng bày thương mại chính vì nó hoàn toàn độc lập với chính quyền. Nhưng liệu họ có đang chém đẹp người mua quá hay không? Suy cho cùng vẫn là chuyện cung cầu. Có thể bạn không thích tác phẩm của họ, nhưng nào có ai bị bắt buộc phải mua tranh đâu. 
Head-on, tác phẩm của Cai Guo Qiang, 2006 với 99 con sói đâm đầu vào bức tường
9. Thuế má
 Nói chuyện tiền bạc rõ chẳng sang tí nào, đặc biệt là trong bối cảnh ngày nay, nhưng thực tế các thể loại thuế tổng cộng lên đến 30% đã trở thành rào cản đối với nghệ thuật nước ngoài nếu muốn trưng bày tại Trung Quốc. Chính sách này vừa có cơ sở chính trị lẫn kinh  tế. Tuy nhiên vì rất ít nghệ thuật nhập khẩu cố tình đi vào hướng gây tranh cãi (vì kiểu gì cũng bị chặn), hình thức kiểm duyệt bị động như thế này có vẻ vô ích. Nói gì thì nói, các tác phẩm có tính chính trị vẫn thường xuyên được cho ra đời và trưng bày ngay ở Trung Quốc, do chính tay các nghệ sĩ và giám tuyển Trung Quốc thực hiện. Hơn nữa, chuyện tạo ra rào cản với người mua cũng không đáng gì. Tất cả chỉ hạn chế được mỗi một chuyện, đó chính là sự giao tiếp với các trào lưu quốc tế và những cuộc tranh luận về văn hóa. 

10. Những gallery chuyên nghiệp

Thực ra mà nói không chỉ Trung Quốc mới cần nhiều gallery chuyên nghiệp hơn; ngay cả New York cũng thế. Tuy nhiên ở đây thực sự hiếm những gallery muốn đầu tư vào sự nghiệp của nghệ sĩ, giúp đỡ nghệ sĩ đạt được hết tiềm năng. Và không phải lúc nào họ cũng được cảm ơn xứng đáng. Nhiều nghệ sĩ rất ‘lăng nhăng”, nhảy từ gallery này sang gallery khác, từ nhà đầu cơ này đến nhà đầu cơ nọ, càng gây khó cho việc hình thành cơ sở nuôi dưỡng mạnh mẽ cho một thị trường ổn định. Suy cho cùng đến Damien Hirst cũng cần gặp đúng nhà buôn cho mình. Không may nữa, một tác dụng phụ của xã hội toàn trị và hậu xã hội chủ nghĩa là tính ngờ vực lẫn nhau, mà cái này thì cực kỳ khó chữa. 
Bình đời Hán với Coca-Cola, tác phẩm của Ai Wei Wei
Nếu danh sách những điểm trên không phải là những điều bạn hình dung trước khi đọc, bạn sẽ hiểu rằng tại sao viết những điều này là cần thiết.
  
(Chris là một nhà văn và là một giám tuyển. Ông tham gia biên tập Randian, một tạp chí phê bình trực tuyến đối với nghệ thuật đương đại Trung Quốc. Ông cũng đã đóng góp cho rất nhiều tạp chí khác ví dụ như  frieze.com, Leap 艺术界 và TimeOut Shanghai. Hiện giờ ông đang viết chuyên khảo về Xu Zhen và Shi Jing.) 

Không có nhận xét nào: