Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Người làm thơ đã già nhưng chưa chết:

Tạ Vũ là Nhà thơ công nhân, từng trải qua nhiều công việc lao động nặng nhọc. Dìu ông đi qua kiếp sống nhọc nhằn này là rượu và thơ...
TẠ VŨ KHÔNG SAY 
 Phải sang: Họa sĩ Đào Trung Việt, Nhà thơ Phạm Hồ Thu, Nhà thơ Tạ Vũ và Nhà thơ Chử Thu Hằng.

Anh ta dùng một phần ba đời mình để quét vôi cho các ngôi nhà Hà Nội, một phần ba để làm thơ và thì giờ còn lại để say rượu. Người ta nói về nhà thơ Tạ Vũ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như vậy. Nhà thơ, đạo diễn phim truyện Đỗ Minh Tuấn còn làm cả một bài thơ tặng Tạ Vũ, trong đó có câu “Cột điện ơi, tránh ra cho người say đi!”.
Thế là Đỗ Minh Tuấn và nhiều người khác đã bị Tạ Vũ lừa. Anh ta có say bao giờ đâu. Gặp Tạ Vũ lúc nào cũng thấy anh ta chỉ ngà ngà. Cái quán rượu có cả bàn thờ tổ rượu đàng hoàng là quán Trúc Viên, nơi Hoàng Trung Thông ngày xưa đã uống, là nơi quen thuộc của Tạ Vũ, nay không còn nữa. Góc vườn ấy đã mọc lên một ngôi biệt thự. Các con giời quen ngồi quán ấy trôi dạt ra cả chục cái quán cóc, quán ếch ở các phố xung quanh. Bây giờ muốn thấy người say hãy đến quán Huỳnh Đường. Chiều chiều dăm bảy cuồng sĩ tụ tập ở đấy để đọc thơ. Và khi rượu bốc lên thì tất cả trở thành thiên tài, chả coi ai ra gì. Các thiên tài nghĩ mình bị thiên hạ bỏ rơi, người đời hắt hủi, tự thấy tủi thân, khóc rưng rức. Trong nước mắt ràn rụa, họ giơ nắm đấm lên giời, dọa một kẻ mơ hồ trên không trung. Rồi lại đọc thơ rồi cười, hê hê. Những câu thơ vừa cổ lỗ vừa cổ quái. Những câu thơ nửa tuồng nửa cải lương. Mấy bác xe ôm, mấy cô mua bán đồng nát ở gần đó đã quen cái cảnh ấy chỉ đứng xa nhìn và cười. Mấy chàng sinh viên đi học về, gác càng xe đạp hóng chuyện và hẳn rất hoang mang không biết chuyện gì đang xảy ra.


Nhà thơ Tạ Vũ và Nhà thơ Chử Thu Hằng

Nhưng không phải ai uống rượu cũng trở thành cuồng sĩ, muốn trở thành cuồng sĩ khó lắm. Phải học nhiều đến mức mụ người. Hoặc không học gì cả mà ngỡ học nhiều. Rồi phải tu luyện đến mức cái tôi bành trướng trở nên kiêu căng. Rồi phải tự rèn phong cách sao cho khác người đến độ dị ứng với các đồng nghiệp, dị ứng với cả thiên hạ mới có thể thốt lên những lời khinh bạc và khả dĩ có thể bật ra những câu sấm trạng không ai kiểm soát được. Lúc ấy cầm bút làm thơ thì đã có thể trở thành cuồng sĩ.
Tạ Vũ không ở trong số người ấy.
Tạ Vũ là bạn của Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Đỗ Chu và nổi tiếng cùng thời với họ. Chỉ là một người thợ làm nghề xây dựng của Hà Nội nhưng Tạ Vũ đã sống những năm tháng đầy ắp bạn bè. Có đồng tiền nào là trút ra mua thức ăn mời bạn. Căn gác nhỏ của Tạ Vũ hồi chiến tranh lúc nào cũng ngổn ngang là người. Hồi ấy người ta không sính rượu như bây giờ. Dăm bảy người bạn trải chiếu trên gác thượng nằm ngắm trăng và ngắm các đốm lửa pháo cao xạ. Tạ Vũ kiếm đâu được một rổ ốc vặn, luộc ngay trên gác thượng đãi bạn. Rồi Tạ Vũ đọc thơ. Những câu thơ tỉnh táo mà rất say lòng:
Thị xã đã đi sơ tán
Những ngôi nhà
Như có dáng
Một người nhớ một người xa.
Cả Chế Lan Viên, cả Xuân Diệu đã từng khen những câu thơ như câu thơ ấy của Tạ Vũ. Đó là một nhà thơ theo nghĩa đen, suốt từ trẻ đến già sống với đường phố, hít thở bụi đen, bụi hồng của đường phố, vui cái vui của kẻ chợ, buồn cái buồn của kẻ chợ. Tôi cứ nghĩ rằng, nếu Tạ Vũ viết một bản trường ca về Hà Nội ban đêm, Hà Nội ban ngày thì hẳn nhiều thú vị.

PHẠM TIẾN DUẬT

2 nhận xét:

kimle nói...

Ghé qua thăm blog anh, blog anh vào com rất khó có lẽ anh chưa thiết kế đúng chăng? sorry anh vì em đã có một time vắng bóng, em bận rộn nhiều thứ, có vào blog anh vài lần nhưng đều kg com được, cuộc sống vốn rất phức tạp, em vẫn dang cố gắng từng bước thật nhiều đấy ạ, chúc sức khỏe và bình yên cho anh mọi ngày, mong anh vẫn còn sáng tác được nhiều hơn nữa những tác phẩm hay, em về

kimle nói...

Ghé qua thăm anh, anh vẫn khỏe chứ? chắc anh bận rộn nhiều nên dạo này kg thấy post bài mới, anh giữ sức khỏe nha, blog anh rất khó com, chúc mọi điều may mắn cho anh nhé, cuối tuần vui, em về