Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

TRUNG QUỐC VÀ CÁC VẤN ĐỀ TRÊN BIỂN TRONG NĂM 2012

TRUNG QUỐC VÀ CÁC VẤN ĐỀ TRÊN BIỂN TRONG NĂM 2012

BienDong.Net: Một năm đầy ắp các sự kiện liên quan đến Biển Đông và biển Hoa Đông sắp qua đi, nhưng những hành động hiếu chiến của Trung Quốc tại những vùng biển này đã để lại trong cộng đồng quốc tế mối quan ngại sâu sắc về sự ảnh hưởng của nó đến môi trường hòa bình ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Trong gần 25 năm kể từ khi Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm một số bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa năm 1988 thì năm 2012 là năm tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp và căng thẳng nhất do Trung Quốc ráo riết đẩy mạnh hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông.
Số vụ việc Trung Quốc gây hấn trong vùng biển của các nước ven Biển Đông tăng nhiều hơn so với những năm trước, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng. Xin liệt kê một loạt các hoạt động nghiêm trọng xảy ra ở Biển Đông như: từ tháng 4/2012, Trung Quốc gây ra tranh chấp căng thẳng kéo dài với Philippin ở khu vực bãi cạn Scarborough, đến nay mặc dù tàu của Philippin đã rút hết khỏi khu vực này, nhưng Trung Quốc vẫn duy trì các tàu chấp pháp để khống chế khu vực bãi cạn Scarborough; ngày 21/6/2012, Trung Quốc công bố Quyết định thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và tiếp đó ra sức triển khai các hoạt động củng cố cơ quan lập pháp, hành chính, quân sự và cơ sở hạ tầng ở cái gọi là “thành phố Tam Sa” này, rồi xuất bản bản đồ “Tam Sa”; ngày 26/6/2012, Trung Quốc công bố mời thầu 9 lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, chỉ cách bờ Biển Việt Nam 60 hải lý; tháng 8/2012, Trung Quốc lần đầu tiên cho tàu cản phá các hoạt động dầu khí của Malaysia, trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Malaysia (theo tạp chí National Interest ngày 17/12/2012, Trung Quốc đã 2 lần cắt cáp của tàu địa chấn của Malaysia trong tháng 8/2012); ngày 30/11/2012, Trung Quốc dùng lực lượng tàu cá cắt cáp của tàu khảo sát Bình Minh 02 của Việt Nam khi đang hoạt động chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 50 hải lý; Trung Quốc cho nhiều tàu chiến, tàu khu trục, tảu hải giám, tàu ngư chính tuần tiễu ở Biển Đông, cho máy bay trinh thám hoạt động trên Biển Đông, nhất là trên vùng trời quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; một số lượng lớn lên đến hàng trăm chiếc tàu cá Trung Quốc có tổ chức dưới sự yểm trợ của các tàu Hải giám, tàu Ngư chính cỡ lớn hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven Biển Đông, có lúc chỉ cách bờ biển của Việt Nam 30 hải lý; các lực lượng chấp pháp, kể cả tàu chiến của Trung Quốc liêp tiếp trấn áp, lục soát, bắt giữ, thậm chí bắn vào các tàu cá của ngư dân Việt Nam…. Đáng chú ý là Trung Quốc đã dùng “tiểu xảo” chưa có tiền lệ trên quốc tế, cho in tấm bản đồ “đường lưỡi bò” vào quyển hộ chiếu của công dân Trung Quốc hòng đạt được sự thừa nhận của quốc tế đối với yêu sách phi lý này, nhưng âm mưu này đã bị cả cộng đồng quốc tế lên án và cho rằng đây là “hành động quá kém cỏi” của Trung Quốc. Đặc biệt, ngày 27/11/2012, Trung Quốc đã cho ban hành “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển Hải Nam”, cho phép các lực lượng chức năng của Trung Quốc kiểm tra, kiểm soát các tàu nước ngoài trong vùng biển của tỉnh Hải Nam, bao gồm cả vùng biển “Tam Sa” chiếm đến 80% diện tích của Biển Đông.
alt
 Mô hình phát triển do Trung Quốc đề ra trái phép trên đảo Phú Lâm của Việt Nam. Ảnh: Baidu.

Đối với biển Hoa Đông, từ tháng 9/2012 Trung Quốc gây tình hình căng thẳng cao độ với Nhật Bản xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku; số lượng đông tàu cá Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng lãnh hải của quần đảo Senkaku; nhiều lần tàu chiến Trung Quốc đối đầu với lực lượng phòng vệ bờ biển của Nhật Bản ở khu vực quần đảo Senkaku; lần đầu tiên Trung Quốc cho máy bay ra hoạt động ở bầu trời của quần đảo Senkaku, buộc Nhật Bản phải điều máy bay ra để bảo vệ quần đảo Senkaku; đưa tàu ngư chính lớn nhất ra vùng biển Senkaku. Trong nội địa Trung Quốc cổ súy cho các hoạt động biểu tình chống Nhật Bản ở các tỉnh và thành phố lớn; đập phá các cửa hàng của Nhật Bản, uy hiếp công dân Nhật Bản ở Trung Quốc; kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản…. Các hành động của Trung Quốc làm cho tình hình căng thẳng ở biển Hoa Đông chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Bên cạnh những hoạt động ngày càng leo thang trên thực địa ở Biển Đông và biển Hoa Đông, trong năm 2012, Trung Quốc còn đẩy mạnh chia rẽ, mua chuộc các nước ASEAN trên vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đã khống chế, sử dụng Campuchia như một con bài để phá hoại sự đoàn kết trong ASEAN, ngăn cản việc đưa vấn đề Biển Đông vào các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN diễn ra tại Campuchia trong năm 2012. Trung Quốc chính là nguyên nhân làm cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN (AMM 45) lần đầu tiên không ra được Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị. Trung Quốc gây sức ép với Lào để không đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự và Tuyên bố của Hội nghị cấp cao ASEM 9 ở Viên Chăn, thủ đô Lào. Trong khi tìm mọi cách gây sức ép để gạt bỏ vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn khu vực và quốc tế thì Trung Quốc lại chủ động làm rùm beng vấn đề tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku tại các diễn dàn khu vực và quốc tế, kể cả ở Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Báo chí và truyền thông Trung Quốc một mặt lớn tiếng hô vang các khẩu hiệu “Trung Quốc thi hành chính sách phát triển hòa bình”, “Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng”; mặt khác vu cáo, đổ lỗi cho các nước láng giềng gây ra tình hình căng thẳng ở Biển Đông, lớn tiếng đe dọa Việt Nam, Philippin hay Nhật Bản “đừng đùa với lửa” hay “sẽ dạy cho một bài học”….
Qua cách hành xử của Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông trong năm 2012, Trung Quốc đang lộ nguyên hình của một kẻ côn đồ đang thi hành chính sách bá quyền. Họ đang hành động bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp dư luận quốc tế đúng như các quan chức của Bắc Kinh đã nhiều lần khẳng định “Trung Quốc sẽ hành động theo những gì Trung Quốc cho là đúng”. Cái mà Bắc Kinh cho là đúng ở đây là họ có quyền chèn ép các nước, có quyền thống trị và khống chế Biển Đông và biển Hoa Đông và các nước láng giềng phải chịu “khuất phục” trước Trung Quốc. Đây chính là lối suy nghĩ của một kẻ cường quyền, Đại Hán.
Những hành động gây hấn, hiếu chiến ngày một leo thang và những lời dọa nạt của Bắc Kinh đã làm cho cả thế giới bất bình và lo ngại về “nguy cơ Trung Quốc” ngày càng tăng. Liệu những người cầm quyền ở Bắc Kinh có biết rằng những hành động gây hấn, ép buộc, dọa nạt của họ đang đẩy các nước trong khu vực và cả cộng đồng quốc tế xích lại gần nhau hơn trong cuộc chiến bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc mình. Một số nhà phân tích trên thế giới cho rằng, Trung Quốc đang “tự mua dây buộc mình” và tự cô lập mình với thế giới trong việc hiện thực hóa ý đồ độc chiếm Biển Đông.
Trong năm 2012, Mỹ tỏ rõ thái độ mạnh mẽ nhất từ trước đến nay trên vấn đề Biển Đông; Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhiều lần bày tỏ sự lo ngại trước những hành động quá khích của Trung Quốc, thậm chí lên tiếng phê phán trực diện việc thành lập “Tam Sa” và lập cơ quan chỉ huy quân sự của Trung Quốc ở “Tam Sa”; Ấn Độ tỏ ý sẵn sàng điều lực lượng của Ấn Độ đên Biển Đông nếu lợi ích của Ấn Độ bị đe dọa; các nước Châu Âu tỏ rõ sự lo ngại trước những hành động lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến tự do, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông đã chủ động yêu cầu đưa nội dung vấn đề Biển Đông vào chương trình thảo luận và văn kiện của Hội nghị cấp cao ASEM 9 ở Lào.
Trước những hành động ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông trong năm 2012, giới học giả và các nhà nghiên cứu đã lên tiếng mạnh mẽ phê phán Trung Quốc trong các cuộc hội thảo về Biển Đông diễn ra khắp nơi trên thế giới như Pháp, Mỹ, Indonesia, Singapore, Philippin, Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản.... các học giả và nhà nghiên cứu đã vạch trần tính phi pháp của yêu sách “đường lưỡi bò” và cho rằng với cách hành xử thô bạo ở Biển Đông và biển Hoa Đông Trung Quốc không còn xứng đáng với một nước lớn là Ủy viên Thường trực Hội Đồng bảo an Liên hợp quốc.
Một năm sóng to gió lớn ở Biển Đông với hàng loạt hành động ngang ngược của Trung Quốc sắp qua đi. Nhìn lại những gì đã diễn ra trong năm 2012, khó có thể mong đợi sóng sẽ yên, biển sẽ lặng ở Biển Đông trong năm mới 2013. Song một điều mà cả cộng đồng quốc tế đã nhận thấy là bộ mặt của kẻ hiếu chiến đang mưu toan sử dụng sức mạnh để thay đổi cục diện đang tồn tại lâu nay ở Biển Đông nói riêng và ở khu vực nói chung của Bắc Kinh.
Bước vào năm 2013 với đầy rẫy những khó khăn thách thức, nhất là phải đối mặt với một chính sách biển ngày càng cứng rắn của những người lãnh đạo mới ở Bắc Kinh sau Đại hội XVIII, các nước ASEAN và nhất là các nước liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông cần tăng cường sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cả cộng đồng quốc tế trong việc duy trì hòa bình ổn định, bảo đảm tự do, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông; đồng thời cần tích cực thúc đẩy giải quyết đa phương các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.     
                                       Việt Chi

Không có nhận xét nào: