Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

NHÂN DUYÊN KHÓ ĐỊNH ( Truyện ngắn của HG)




Đó là góc chết. Không hiểu sao nàng lại ngồi đó một mình, xoay mặt vào trong, một chân gếch lên chiếc ghế bỏ không bên cạnh?
Hình như nàng không muốn ai nhìn thấy mình, hoặc nàng không muốn nhìn thấy ai? Đôi lông mày thanh tú, cặp mắt đen, đuôi mắt dài thỉnh thoảng nhíu nhẹ, không ra vẻ vui hay buồn.
Nàng thoa nhẹ chút son môi. Da mặt để mộc gần như không đánh phấn. Mái tóc dày cắt ngắn theo mốt hiện đại của tuổi teen thời bây giờ. Khó có thể đoán tuổi của nàng, cũng như khó đoán nàng đang nghĩ, hay không nghĩ gì?
Đám ăn “mải” khánh thành “nhà miếu” của ông chuẩn tướng, nàng có liên quan gì mà tới đây?
Có một vài người nàng quen, nàng chào hỏi, họ cũng chào lấy lệ rồi quay ra chỗ khác. Không một ai tới ngồi cùng bàn với nàng, mặc dù nàng cũng người làng này, đâu có xa lạ gì nhau? Tôi đọc trong cái nhìn của những người đó có chút gì ganh tị, khinh khi và cả một chút coi thường. Như nàng là kẻ xa lạ, dơ dáy, không bình thường..
Người ta ganh tị là phải, vì nàng ăn mặc không giống ai. Ở tuổi đấy mà vẫn quần bò, áo phông, tóc để thế kia, lại phảng phất mùi nước hoa.. Bề ngoài ấy xa lạ với những người ở xứ đồng rừng thường đi chân đất. Họ chỉ giày dép mỗi khi đi dự tiệc hoặc có hội hè.
Họ ganh tị cũng là phải. Tuổi nàng, đàn bà mấy người được như nàng? Hai bàn tay trắng muốt, ngón thon dài, móng tay sơn vẽ cầu kì. Gót chân hồng hồng như chân thiếu nữ. Người ta thì quần áo dù còn mới vẫn luôn bị  nhăn nhúm, gấp để đã lâu, mới lấy trong giương ra, mặc một buổi, về cất lại vào giương. Công việc đồng áng khiến người ta mất dần thói quen chải chuốt, ngắm vuốt khi còn trẻ. Chân tay chai sần, có người nẻ tếch nẻ toác. Có bà chỗ nẻ quá sâu phải dùng chỉ khâu lại.Chỗ nứt rơm rớm chút máu khô mầu quyết trầu. Chả mấy ai được eo thon như nàng! Sinh đẻ sớm, lại làm ăn vất vả không chịu kiêng khem, bà nào, cô nào vòng hai cũng to hơn vòng một. Tóc tai cũng không còn được chú ý mấy. Chỉ chải qua loa cốt sao cho gọn gàng, kẹp bằng cái cặp tóc bằng đồng hay bằng sát cũ. Có người buộc bằng sợi vải sơ sài lắm, đâu có ai diêm dúa được như nàng?
 Còn phấn son ư? Thật xa lạ với người quê, tỉnh lẻ.
Nàng hệt như con công đứng giữa bầy gà. Như bông hồng nổi bật trên đám hoa sói, hoa ngâu.
Người lạ chắc hẳn tưởng nàng ở thành phố về. Không là cô sinh viên sắp ra trường cũng con nhà quyền quý, có địa vị ngoài xã hội.
Riêng tôi, tôi biết chắc nàng là ai? Nhưng cái biết đó giờ cũng thành lạc hậu, vì nó cũ, quá lâu rồi. Phải có đến năm bảy năm nàng vắng bóng ở đất này. Làm sao biết con người thật của nàng hiện tại?
 Con người ta nhiều đột biến, may mắn cũng như tai ương lắm. Một tháng, một năm đã khác, huống chi năm, bảy năm trời?
Đã đến đây, mọi người đều bình đẳng như nhau. Mọi người có quyền gì mà ganh ghét, tị nạnh hoặc khinh khi đối với nàng? Duyên ai phận nấy, “ai hay ấm bản thân mình”, tỏ vẻ ra đây để làm gì?
 Ý nghĩ ấy khiến tôi có chút tò mò, không muốn cho một vị khách như nàng thất ý. Bất luận nàng là người ra sao? Như thế nào?
Hơn nữa đó cũng là trách nhiệm của tôi. Chuẩn tướng có nhờ tôi đón và tiếp khách giúp ông ta. Tôi không có quyền để bất cứ một ai đó mếch lòng..
Có mấy bà mấy cô mới đến, tôi xếp ngay họ vào ngồi với nàng cho có bạn. Hình như họ có chút chần chừ, gượng ngồi một lúc rồi lại sang bàn khác. Thấy vậy tôi ngồi xuống kéo thêm một tay mới đến ngồi bạn với nàng.
Tay này hiện là chủ của hai cái tàu vàng đang nạo sồn sột lòng sông trước cửa nhà tôi. Y có vẻ e ngại tôi nên khi tôi nói y vui vẻ ngồi xuống ngay. Tay ấy e ngại tôi là phải. Chả gì tôi cũng là mồm ăn, mồm nói, có tí “Quyền lực thứ tư” ở cái đất này.
Không ngờ mới, cũ  hai người từ lâu quen nhau. Chuyện rôm rả, thân thiết lắm. Tôi lấy làm lạ, nhưng không tiện hỏi. Lộc Viên, chủ tàu vàng hình như đoán được ý nghĩ ấy, da mặt thiết bì của y dãn ra đồng thời với cặp mắt xếch, đôi lông mày rậm:
- Bọn tớ quen nhau từ hồi còn học phổ thông. Lâu lắm mới gặp..
Rồi y quay sang nàng:
- Tình hình chồng con và làm ăn của em hiện nay ra sao rồi?
Nàng cười rất tự nhiên:
- Nguyễn y vân anh ạ! Còn anh thế nào kiếm được có khá không?
- Bọn anh vẫn thế. Em bảo làm cát sỏi như bọn anh lấy đâu ra khá? Đủ ăn đủ tiêu là được rồi. Nào xăng dầu, xe pháo, công nhân.. Trừ mọi khoản cũng chẳng còn là bao. Chủ yếu tạo công việc cho mấy đứa em, đứa cháu làm là được rồi.
- Anh cứ nói.. Em hỏi thế thôi chứ đâu có ý định vay mượn đâu mà anh kín thế.
Nghe hai người nói chuyện với nhau, tôi biết cả hai không phải “lâu lắm mới gặp” như họ vừa nói khi nãy. Càng không phải là chuyện “cát sỏi cái mả mẹ gì” như Lộc Viên vừa trình bày.
Làm cát sỏi phải có bến có bãi, có đường, có nơi xuất hàng đi. Đằng này tàu đào giữa sông, sỏi cát đào lên lại đổ thành đống giữa dòng, đâu có bán, có chuyển đi đâu, vì làm gì có đường vận chuyển? Mặc dù chủ tàu nào cũng có “Giấy phép kinh doanh khai thác cát sỏi xây dựng”. Tuy là phạm vào tài nguyên, nhưng cũng chưa đụng đến của trong kho hay tiền trong két ngân hàng nhà nước.
So với những con bạch tuộc khổng lồ ngốn hàng ngàn, hàng tỉ đồng chẳng là cái gì. Cái thằng nhà báo quèn như tôi tạm an ủi mình với cái lí lẽ tạm bợ đó. Mà thực ra là sợ vu vơ một thế lực vô hình nào đấy. Đụng vào những việc như thế, chả khác nào mó dái ngựa? Không bản thân mình thì anh em gia đình mình không khó chuyện này, cũng khó chuyện kia. Chẳng gây được chuyện gì, biết đâu giữa đường bị cái xe lạ tông vào hay bị ném đá vào nhà lúc nửa đêm? Mọi chuyện đều có thể! Tốt nhất là không dây. Với lại ít ra hắn cũng còn biết tôn trọng, e dè đối với mình. Hôm mình cảm cúm qua loa hắn đến cho cả nửa lạng cao ngựa bạch bảo: “ Tớ cũng chẳng có gì, chỗ bạn bè với nhau, cái này nấu cháo bồi dưỡng cho nó khỏe, dạo này thấy cậu xanh lắm”. Mà thực ra mình đâu có bạn bè với hắn khi nào? Chỉ là chỗ quen biết, ở gần nhà nhau!
Chuyện của hắn với nàng không thuận lỗ nhĩ lắm, nhưng là chuyện của họ với nhau, mình bận tâm làm gì?
Tôi định đứng dậy đi ra chỗ khác để họ tự nhiên. Nàng kéo tôi lại:
- Anh thong thả đã, em có chuyện này muốn hỏi anh một tý?
- Chuyện gì? Để lúc khác được không? Tôi đang bận đón khách. Chả nhẽ người ta nhờ mình lại cứ ngồi đóng cọc một chỗ, e không tiện.
Nàng cười cười, cái cười của người đẹp, tuy vô cảm vô tư như tôi cũng thấy xao xuyến trong lòng:
- Úi giời.. Người ta cứ nói thế, chứ tướng tá thiếu gì người đón khách? Chẳng qua ông ấy nói thế cho đẹp lòng, đẹp đội hình đấy thôi, anh cứ ngồi đây!
Lúc này tôi thực sự lúng túng. Tôi không có ác cảm hay khi rẻ nàng như một vài người tôi vừa thấy, nhưng vẫn thấy ngài ngại thế nào ấy. Đây là chỗ đông người, chỗ công chúng, tôi đã biết gì về nàng đâu mà ngồi đây đằm thắm, chuyện trò với nàng? Chưa nói đến con mắt nhìn vào của thiên hạ xung quanh, ngay như ông anh họ tôi, chủ nhân thực sự của đám tiệc này có thể sẽ không bằng lòng. Ông ấy sẽ bảo: “ Tưởng chú thế nào, hóa ra thấy gái cứ như mèo thấy mỡ. Chả đàng hoàng tý nào, tao sượng hết cả mặt”. Thế thì còn ra làm sao? Tôi đành nói cho xong việc:
- Đằng nào thì em vẫn còn ở đây. Thông cảm đến cuối buổi gặp lại, muốn  hỏi gì hẵng hỏi nhé!
Tôi nói như vậy và đứng dậy đi ngay. Tôi tưởng, sau buổi tiệc này nàng sẽ quên lời xã giao ấy, hóa ra không phải.
**
Buổi khánh thành miếu rồi cũng xong. Khác với tiệc tùng, đám xứ trong vùng. Bao nhiêu phong bao, phong bì của khách đến mừng gia chủ đều cúng hết lên nhà chùa. Một ngôi chùa vừa mới xây bên kia sông, trông xuống bến đò. Cái nghĩa cử ấy làm nhiều người nể trọng. Thông thường nhà chùa đến tham gia làm lễ người ta chỉ sửa một cái lễ nhỏ, một cái phong bao nhiều thì đến năm trăm ngàn là cùng.. Chưa từng có ai tất tay cúng tiến cả thế này!
 Nhưng vẫn có người xì xào: “ Người có quyền có chức chẳng qua phóng tài hóa thu nhân tâm, thu phúc lộc lâu dài”! Miệng dân sóng bể, chả biết đâu là cùng.
Chuẩn tướng sắp xếp cho đoàn cô đồng, thầy cúng, thầy phong thủy ra xe về Cốc Lếu Lào Cai. Từ đây lên đến đấy đường còn xa hơn đường xuôi Hà Nội. Nghe nói đây là các bậc thầy cao tay, trừ tà bắt quyết rất giỏi. Lại giỏi cả việc “định tính linh”, bốc bát nhang thờ. Chỉ riêng tiền trả công thầy, mua vàng mã, thuê xe đưa đi đón về đã hết gần trăm triệu.
Phải chi lớn như vậy là có lí do rất riêng của gia chủ. Vợ đồng chí ấy đi xem về nói “Dòng họ Nguyễn nhất định phải lập miếu thờ. Ngôi mộ cụ thân sinh ngày trước do vô ý chôn nhầm vào mộ địa của một “quan ngài” thác đã lâu. Nấm mộ ngài không còn dấu tích nên mới xảy ra cơ sự này. Ngày đấy đồng chí ấy vắng nhà, mai táng cụ đồng chí có biết đâu? Lẽ nào phải chịu trách nhiệm?
Âm dương gì, công bằng mà nói “Ai làm người đấy chịu”. Lúc đầu đồng chí anh họ tôi không tán thành!
 Thầy nói nếu không làm gấp, trong nhà tất sẽ có nạn to. Đứa cháu gái ông anh cả làm bên an ninh đi công tác mãi không sao. Hôm vừa rồi đi thăm quan lại bị lật xe giữa ban ngày, đưa đến bệnh viện không kịp, nó mất vào quãng thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời.
Thanh tra giao thông xác định “tai nạn do lái xe ngủ gật trong lúc cầm vô lăng”. Chỗ ấy đường rộng, không có xe chạy ngược chiều, trời nắng ráo, bị như thế thật không ai ngờ?
 Nhưng cõi âm nói “không phải bỗng dưng”. Lại tiếp đến ông anh trai trưởng đi đám về tự nhiên cảm nhập, cấm khẩu. Chữa chạy hàng tháng trời.. giờ nói năng ú ớ, ăn đâu nằm đấy. Thày còn bảo nếu không sớm dựng miếu thờ ngài, có khi cả chuẩn tướng chưa chắc đã toàn!
Đồng chí ấy không tin, một mực không đồng ý. Bên trên trông xuống, ở dưới trông vào làm thế sao tiện?
Thêm bà chị dâu khóc khóc, mếu mếu hùa theo bà vợ, nói đi nói về, cuối cùng đồng chí ấy miễn cưỡng phải nghe theo! Cũng là cách giữ hòa khí, êm thuận trong nhà. Người ta càng có danh có giá, càng phải giữ gìn cẩn thận. Tránh nhất là chuyện lục đục, ầm ĩ trong gia đình.
 Miếu lại lập ở nhà ông anh trai, dù mình có đầu tư tiền của thì “bàn dân” vẫn cứ cho là vợ chồng ông ấy đứng ra làm. Vả lại ai hỏi chuyện này mà phải lo? Cũng là “tự do tín ngưỡng các nơi khác rầm rộ từ lâu rồi”..
Quả là sức mạnh tâm linh có sự huyền diệu, thu nạp bí ẩn. Từ chỗ miễn cưỡng chiều theo, đến chỗ săng sái tin cậy, là một sự thay đổi bất ngờ.
Tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy ông anh họ chắp tay khấn vái với vẻ rất thành thực, trung tín, nom lóng ngóng, ngọng ngịu và buồn cười. Ông cầu cho cuối năm nay điều phỏng đoán của ông về việc thăng chức trở thành hiện thực. Dù thời bây giờ phong tướng không còn là chuyện hiếm hoi và các ông tướng cũng khá đông đảo rồi. ( Ngay cái làng bé tẹo này cho đến nay cũng đã có đến hai ông tướng. Một ông qua đời năm ngoái, đám rước linh đình, và ông anh họ tôi đây. Lịch sử của làng chắc thế nào cũng phải có tên của cả hai vị dù còn sống hay đã chết!)
Đám vui, nhưng thật lòng là khá mệt. Làm cái anh MC mời khách, qua mỗi mâm chỉ lưng lưng chén, từng ấy mâm chưa đổ là còn may. Đến lúc ngồi vào mâm, ăn quấy ăn quá một tí rồi lại đứng lên tiễn khách. Tôi chỉ muốn mau chóng xong xuôi công việc, ngả lưng một chút để lấy lại thăng bằng. Từ đấy đến giờ mình cứ như người phiêu du ở vương quốc lưu li. Chân như muốn chạm đất nhà trời. Nói như cụ Nam Cao là chả biết đứng lên, đi lại bằng cái gì? Có lẽ nhờ thói quen của cái nghề tiền chả được bao nhiêu, nhưng rượu lại được hơi nhiều, thành quen mẹ nó rồi!
Chuẩn tướng bảo:
- Thôi chú về nghỉ đi, công việc còn bao nhiêu các cháu lo. Việc ấy không phải việc của chú. Độ năm giờ chú nhớ đến đừng để phải gọi hay đi đón đấy nhá!
- Vâ..ầng, em về.ề..
- Liệu có đủ bình tĩnh cầm lái được không?
- Bác yên tâm đi, nam nhi sống ở đời, chạy xe là chuyện nhỏ..
Tôi loạng quạng dắt xe ra ngõ. Ngồi lên yên rồi đề mãi mà xe không nổ? Chắc là bình yếu, đạp khởi động vậy. Tôi co một bên giò.. Đạp thế quái nào toạc một ống quần mà xe vẫn trơ như cục sắt. Đạp cái nữa, cả người cả xe chúi sang bên rãnh ta luy.. Phải chỗ hờm, quả này ăn chắc lăn xuống ruộng!
Bỗng có bóng người quần bò, áo thun quen quen chạy lại đỡ tôi và dựng cái xe dậy:
- Anh để em. Chắc anh không đi được đâu. Để em đưa anh về cho an toàn..
- Cô cứ mặc tôi
Tôi lại cố gắng đạp mấy cái nữa. Nàng rúc rích cười. Tôi đã hơi cáu.
- Xe anh khóa xăng thế kia làm sao nổ được? Thôi để em xem..
Nàng bảo tôi ngồi lên. Lúc đó không hiểu sao tôi không nói lại câu nào nữa. Tôi như một đứa bé ngoan ngoãn cho nàng mang đi.
Rượu là cái gì nguy hiểm, đôi khi đánh mất phẩm giá con người. Ấy là sau này tôi nghĩ thế. Chứ thực ra lúc đó đâu còn biết mô tê,răng rứa, con mẹ gì?
Khi tỉnh dậy tôi thấy mình đang ở trong một gian phòng. Trên cái bàn kê gần cửa sổ giống như bàn làm việc của tôi có một bình hoa. Còn cái giường tôi nằm rất lạ, không phải của mình. Mà tôi đâu có cắm hoa bao giờ đâu nhỉ?
Vậy chỗ này là đâu?

***
Đồng chí anh họ tôi quả là hiểu đời, có con mắt nhìn xa trông rộng. Chẳng những giỏi  binh “Binh thư yếu lược” mà còn thấu rõ mọi lẽ tình đời, hiểu sâu sắc thân phận con người.. Điều ông ấy e ngại cho tôi, rất không may nó đã xảy ra!
Khi tôi hoàn hồn thức giấc, chẳng cần phải suy nghĩ gì lâu, biết ngay mình đang ở chỗ nào?
Tại sao mình lại ở đó từ đấy đến giờ?
Mặt trời đã lên được hơn con sào phía đầu rặng tre. Ánh nắng vàng rộp của ngày tháng mười, tươi mới đang tràn ngập trên cánh đồng, dọc con đường làng, một góc của dòng sông qua cửa sổ của căn phòng này của nàng nom thấy.
Có thể nói là một buổi sáng đẹp trời. Than ôi lòng tôi lúc này đâu có được đẹp như thế? Nó đang trĩu nặng như đeo đá vào người để nhấn chìm từ từ tâm hồn xuống dòng sông mùa này chắc là đang lạnh giá kia!
 Tôi đã ở trong phòng của nàng gần hai mươi tiếng đồng hồ mà hoàn toàn không có chủ ý gì. Không ai bắt buộc tôi cả, nhưng không phải tôi muốn, hay tôi tự nguyện!
Tôi thường không ưa những kẻ đạo mạo, sĩ diện rởm theo lối “liếm đĩa dính mật trước mặt học trò”. Nhưng thực tâm những nơi như thế này tôi thực sự không muốn bước chân vào. Không hẳn tôi sợ căn bệnh thế kỉ những người như nàng thường mang sẵn trong người. Cũng không hẳn sợ tai tiếng hay con mắt người đời dè bỉu..
Một nỗi sợ khác, rất mơ hồ chỉ nhận được qua linh cảm, chứ không bằng trực giác.
Tại sao nàng không đưa tôi về nơi tôi ở? Từ đây tới đó chỉ non nửa giờ xe chạy chứ có bao nhiêu? Nàng giữ tôi lại trong phòng này làm gì?
Tôi đã làm gì nàng và nàng đã làm gì tôi trong lúc tôi say gần như bất tỉnh nhân sự? Liệu đây có phải là một âm mưu?
Tôi vội vàng mặc quần áo ngay ngắn lên người, đề phòng mọi bất chắc có thể xảy ra, len lén như kẻ vụng trộm.
Bạn đọc, xin bạn hãy thông cảm cho tình trạng của tôi lúc bấy giờ. Ngay bây giờ đây khi kể lại câu chuyện này, tôi vẫn còn tim đập, chân run. Hạng người như tôi vẫn thường hèn như thế đấy. “Nói giời nói bể”, nhưng “hễ nghe một tiếng súng kíp đã tái xanh mặt mày”. Thiên hạ đồ đoán, có điều là rất đúng. Cái mà tôi lo không phải không có cơ sở. Không thiếu những con mồi trong tình cảnh này phải trả một giá đắt cho sự ngu ngốc và bất cẩn của mình..
Vẫn không có động tĩnh gì. Không có kẻ nào cầm súng cầm dao dọa giết hay vào đây khống chế tôi, buộc tôi phải ký vào sổ nợ một ngân khoản mà tôi không hề vay, hay nợ.
Cũng không có nhà chức trách nào tới lập biên bản, “tìm mẩu khăn ướt hay một thứ gì đó tương tự” làm tang vật. Sau đó tôi sẽ bị điệu đến một nơi để chấm dứt sự nghiệp còn đang dang dở của mình..
Bốn bề im ắng, tôi nghe thấy cả tiếng đập của quả tim vừa đang lo lắng của mình. Chẳng qua, thần hồn nát thần tính, mình tự dọa mình chứ nào có cái quái gì đâu?
 Hình như ngoài vườn còn có tiếng chim kêu lích tích. Không hiểu sao lúc này tai tôi thính, đầu óc minh mẫn đến thế?
 Tôi chú ý nhìn khắp gian phòng của nàng, đề phòng một kẽ hở nào đó có thể dùng ghi âm, ghi hình những gì diễn ra trên tấm đệm kia. Hoàn toàn không có gì cả!
( Sau này nhớ lại, tôi tự thấy sự vô lý và lố bịch của mình. Đúng là kẻ ngu xuẩn thường hay phức tạp hóa những gì thực ra quá đơn giản ).
Cái xe Way Tàu của tôi vẫn dựng sát chân tường, nó vẫn y như vậy, không hề mất một cái gương hay một mẩy yên nào cả!
Nhưng nàng đi đâu mà lúc này không có mặt ở đây?
Tôi không phải chờ đợi lâu. Nàng đã về tay mang một chiếc cặp lồng nho nhỏ vừa gỡ ra từ ghi đông xe đạp của nàng. Chúng tôi nhìn nhau. Cảm giác thật là khó nói. Bực tức, hằn học? Ngượng ngịu, đồng tình? Đều không phải!
Nàng tự nhiên như không có việc gì xảy ra:
- Anh rửa mặt rồi ăn chút cháo đi cho nó nóng. Cháo lòng em vừa ra quán mua về đấy. Hàng nhà bà Mùi Cắm sạch mà ngon!
Tôi không biết nói sao. Tự hỏi không biết mình trở thành Chí phèo ngồi ngắm cháo hành tự khi nào? Chỉ có điều nàng không là Thị nở. Nàng đẹp hơn và “có vấn đề” hơn Thị Nở rất nhiều.
Cuối cùng tôi cũng mở được miệng:
- Sao cô không cho tôi về nhà, mà lại đưa tôi đến đây?
- Em sợ đến nhà anh, chị ấy nghĩ sai về em. Bây giờ anh đã tỉnh rượu rồi, anh tự về thì hay hơn.
- Hỏi thật nhé, đêm qua tôi say rượu có làm điều gì không phải với cô không?
Nàng rúc rích cười ( Cứ như hay lắm, buồn cười lắm ấy):
- Sao anh hỏi thế. Không có chuyện anh làm gì, hay em làm gì đêm qua đâu.anh đừng nghĩ như thế. Em tuy là đứa không ra gì nhưng không hẳn như mọi người nghĩ. Ít ra còn chút tự trọng, chút liêm sỉ chứ. Hơn nữa em biết anh là người thế nào chứ? Không thể cư xử như lúc khác được..
Tôi vẫn chưa hiểu “lúc khác” của nàng là lúc nào. Thì nàng nói tiếp:
- Thực ra em quý anh vì anh là hình tượng thủa còn con gái của em. Không cần trai đẹp, trai giàu, cần người thông cảm và hiểu biết, tin cậy được mà thôi.
Giời đất! Tôi thì “Hình tượng”, “Thần tượng” cái nỗi gì? Cô ả này không chừng giăng câu mình đây. Tôi giật mình, không cả rửa mặt, ăn uống dắt xe ra cửa.
Nàng giữ tay tôi lại:
- Em biết em không nên nói ra câu này. Em không có tư cách gì để nói với anh câu đó. Nhưng từ khi đọc trong tập thơ của anh có hai câu em rất thích: “ Làm điếm mà xây lâu đài, còn hơn tham nhũng tiêu xài của dân”. Tự thấy an ủi mình được phần nào. Trước đây em tự ti và rất mặc cảm.
Đúng là cuộc đời luôn có những bất ngờ. Đó là tập thơ đầu tay của tôi in đã lâu. Tôi không nghĩ có những người như nàng cầm đến và đọc nó. Hai câu trên chả qua là bí tứ, bí vần viết cho nó Liên mà thôi chứ tôi đâu có ngụ ý gì?
Bất ngờ nàng khóc. Tôi chưa thấy ai khóc thê thảm như nàng. Không tru tréo, không nỉ non, chỉ lặng lẽ khóc. Không hiểu sao lúc đấy tôi lại nói:
- Cô nín đi, ai làm gì cô mà khóc? Người ta dễ hiểu nhầm..
Bất chợt nàng lại cười, cái cười mếu máo:
- Em thành thực xin lỗi anh và cảm ơn anh đã cho em được “một đêm gần một người đàn ông tử tế”. Tuy chúng ta không có duyên gì, em chỉ ngồi nhìn anh ngủ, gối đầu tay cho anh..Chỉ thế thôi em mãn nguyện rồi.. Đời em ra thế này là vì gặp người đàn ông đầu tiên không ra gì, lấy hắn làm chồng..
Nàng kể. Mặc kệ tôi có nghe hay không. Rất nhiều chuyện..
Tôi thì tôi nghĩ, người như nàng ai mà không nói thế?
Nghe thằng nghiện và tin lời ả ca ve có mà mất trí!
Tôi vội phóng xe ra khỏi nơi nàng ở như bay khỏi nơi đang có báo động dịch bệnh nguy hiểm..

Nửa năm sau, tôi có việc ngang qua chỗ đó. Không ai biết nàng đã bỏ đi đâu?
Tôi hỏi dò hàng xóm xung quanh, mới biết chuyện hôm nào nàng nói với tôi là có thật. Nàng từng bị lợi dụng, bị bỏ rơi nơi đất khách quê người, và cả gặp những tên khốn nạn…Cả những việc xấu xa người ta đồn đại cũng một phần là có thật..
Ai nghĩ thế nào về nàng thì nghĩ, với riêng tôi, tôi tin một ngày nào đó nàng sẽ làm lại cuộc đời.
Ý nghĩ mai mối nàng cho một người bạn đứt gánh giữa đường của tôi không thực hiện được, vì đâu còn gặp lại nàng? Nhiều điều tốt đẹp cứ ngỡ trong tầm tay, lại như tìm kim đáy bể.
Bây giờ nàng ở đâu?
Nhân duyên khó định, không ai có thể sắp xếp được cho ai, nhưng có điều chắc chắn người tử tế sẽ gặp điều tử tế!
Có thể đồng chí anh họ của của tôi sẽ không tin câu chuyện này là thực. Và nếu có, ông ấy chắc cũng không đồng ý với tôi, có thể bảo tôi là đứa dở hơi, có vấn đề.
Nhưng mà chuyện này, tôi có điên đâu mà đem kể với ông ấy?

*****

Không có nhận xét nào: