Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Ngày tết lên Lũng Quân

                                   

Bút ký của Hồng Giang

Năm nay nhà Giàng Seo Gà ăn tết to.
Ngoài bánh dày cổ truyền, nó bảo còn làm thêm cả bánh chưng như người Kinh, người Tày và cả bánh khảo nữa. Bánh dày thờ thần mặt trời, mặt trăng người Mông quen từ lâu rồi. Con gái H’mông mười sáu tuổi đã biết đồ xôi nếp, đổ ra máng, giã chày đôi. Khi nào bánh thật mềm, thật dẻo mới “bắt bánh”. Những chiếc bánh dày trắng mịn mang hình mặt trăng, mặt trời bày lên bàn thờ mới được “làm mới”, cúng tạ ơn trời đất, nhớ ơn các thần linh, nhớ ơn vua SiViu, tạ ơn tổ tiên ông bà.
Seo Gà bảo “Thực ra bánh chưng dễ làm và đỡ vất vả hơn bánh dày vì không phải giã mà. Nhưng nó có khó ở chỗ phải biết gói sao cho đẹp, vuông mà lá không bị rách, nhân phải ngon. Mình để ý vài bận là biết mà”.
Tôi hỏi nó:
- Bí quyết để bánh chưng ngon Seo Gà đã biết chưa?
Nó cười đỏ mặt:
- Cũng biết chứ. Phải chọn loại nếp cái thơm, đều hạt. Lá gói bánh phải là lá bánh tẻ không non không già mới được đấy. Rồi đỗ xanh hạt phải mẩy đều, thịt ba chỉ làm nhân thêm với hạt tiêu, nếu có chút dừa nạo nữa càng ngon.. Nhưng cái chính là phải biết cầm lửa, đun nồi bánh sao cho rền, không nát, không khô quá..
Tôi phải chịu nó. Đến như mình còn chưa chắc đã chu đáo bằng nó. Mỗi năm tết đến có dăm chiếc bánh đều nhờ khi thì ông cậu, hay thằng em chú gần nhà gói cho. Nếu không phải ra chợ.
Seo Gà còn khoe:
- Hôm này anh lên còn có rượu ngô nữa. Mọi năm toàn đi mua. Từ năm ngoái năm nay không phải mua nữa rồi đấy. Nhà mình thiếu gì ngô mà phải mua rượu ngoài chợ?

Tôi có nghe người ta nói về nhà Seo Gà mấy năm nay trồng ngô “thắng quả đậm”. Người ta nói vụ năm nay nó thu tám chục tấn! Một con số mà người đã từng là cao thủ trồng ngô trên nương như tôi chưa khi nào dám mơ. “Thường thì là trong câu chuyện năm đồn lên mười. Qua miệng người này thêm một tí, qua người kia thêm một tí, chắc gì đã thật?” Tôi nghĩ như vậy khi nghe người ta kể. Cũng có thể khá hơn mọi năm chứ gấp bội như thế thật khó tin! Nhân nghe Seo Gà nói ngô nhiều, tôi hỏi:
- Tớ nghe bảo nhà cậu năm nay thu tám chục tấn ngô có hay không?
Seo Gà cười cười, y như thể chuyện đó không có gì đáng chú ý cả, định nói chuyện khác. Tôi phải nhắc lại nó mới rù rì:
- Có thật chứ? Nhưng mà ăn thua gì với người trong làng? Có nhà được cả trăm tấn đấy! Nhà này có hai vợ chồng, bận con bé chỉ làm được thế thôi.
- Chắc phải thuê đông người làm lắm nhỉ?
- Không thuê đâu. Mình khắc làm khắc ăn thôi. Người làm công bây giờ khó đón lắm, không như hồi anh còn làm ở trên này đâu!
Tôi lấy làm lạ, chả nhẽ có cách thần nào giúp cho nhà nó sao? Hỏi ra mới biết, bây giờ lối canh tác khác hồi tôi làm nương rất nhiều. Mấy năm Seo Gà vào trong nam về học theo người ta. Bây giờ cả làng Lũng Quân học theo nó. Năng xuất tăng gấp mười khi trước. Đầu tư cũng không lớn lắm. Nhà nào cũng mua máy phát cỏ, một người bằng cả chục người phát bằng tay. Loại máy này trước ngày người ta dùng vào việc đốn xén cây, tỉa vườn cảnh công viên. Mang vác nhẹ nhàng tựa như bình xịt thuốc sâu. Trong nam người ta dùng phát rẫy. Còn làm cỏ không phải mất nhiều công như trước. Cứ pha thuốc vào bình, phun một ngày bằng hàng chục công làm cỏ ngày trước. Cái lợi trước mắt đấy, nhưng giờ dân bản đang lo. Hỏi lo làm sao? Lo thuốc diệt cỏ có hại về sau này. Trong làng đã có người mắc chứng bệnh rất lạ. Người làng đang tìm cách khác, không dùng thuốc này nữa. Nhưng tìm chưa ra!
Ngày Seo Gà đến tuổi lấy vợ, cả hai bên đều nghèo. Seo Gà không đủ tiền lo sính vật làm đám cưới. Hai đứa thương nhau, đành phải theo tục “háy pù”. Làm cái chòi con đón nhau về  ở để tránh con mắt xem thường của dân bản. Hai bàn tay trắng, làm ăn gặp bao nhiêu là khó khăn. Có người rủ vào Đắc Nông sinh sống, cả hai đồng tình ngay.  Nhưng con người ta như cái cây trên đất. Có chỗ trồng lên xanh tốt với cây này, nhưng lại không tốt với cây kia. Rút cuộc tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Hai đứa lại rủ nhau về. Dù sao thì nơi quê cũ từng quen thung quen thổ, có người bà con thân tình. Thuộc từng gốc cây, ngọn cỏ. Ngoài chút vốn“đi ngày đàng” học thêm được chả được gì hơn.
Cũng nhờ người Mông sống nặng cái tình, quý người trở về, mỗi  người giúp cho một chút, Seo Gà trở mới có ngày hôm nay.
Lần này Seo Gà về thành phố mua xe máy, tiện đường ghé vào chơi. Anh em lâu không gặp, tôi muốn giữ nó ở lại, nhưng nó nhất quyết không ở. Nói là phải về giúp hộ đám cưới ngày mai. Nó được người ta nhờ làm phó “Tir tuôv minhx cungz”. Tức là ban đại diện cho nhà trai. Một vị trí chỉ những người có uy tín, giỏi làm ăn, vợ chồng hạnh phúc mới được làm. Cũng có nghĩa dân bản đã tin tưởng và coi trọng nó rồi. Người ta đã nhạt dần chuyện cũ của tục “háy pù” bất đắc dĩ của nó năm nào.
Seo Gà dặn: “Dù thế nào anh cũng phải lên. Đã hẹn rồi không tới nhà mình bị rông cả năm đấy”.
Tết người H’mông bắt đầu từ chiều ba mươi tháng mười một ta. Khi đó người Kinh, người Tày và cả người Dao nữa  nhà nào sớm nhất mới chỉ rục rịch lo tết chứ chưa có tết. Dù có đi chơi vài ngày cũng không ảnh hưởng gì đến tết ở nhà, nên tôi nhận lời.
Seo Gà dặn thêm: “ Mình mua xe máy là anh biết rồi đấy. Đường bây giờ lên tận nhà bằng xe máy, không phải đi bộ như trước nữa đâu”
- Đã nhận lời rồi, kể cả đi bộ đã sao? Đến nhà anh em mà sợ vất vả đến làm sao được?
Anh trai H’mông quen cưỡi ngựa, giờ ngồi xe máy cứ khum khum trông rất buồn cười. Nó cũng nhoẻn một cái, vù đi ngay..
**
Bản người H’mông Lũng Quân không như người ta thường mô tả trong phim. trong truyện.“Nom xa như những chiếc tổ chim sơ sài đeo vào vách núi cao”, đó là cách mô tả cũ quá sai lầm. Bản quây quần trong một thung lũng ba bề núi, một lối duy nhất theo suối ra ngoài đường cái to. Ngày tôi lên đây không có đường, phải lội suối đi bộ, tay dắt ngựa mang đồ thô lên lán. Bây giờ đường đã mở. Xe ô tô có thể tránh nhau, ra vào đều được. Dân bản được nhà nước hỗ trợ theo chủ trương “nhà nước và nhân dân cùng làm” mới làm được hơn cây số đường bê tông quãng đường đầu bản. Trưởng thôn nói: “mỗi năm một ít, vài năm là ra tới đường nhựa thôi”! Dọc đường nhà dựng san sát. Nhà nào nhà nấy cũng cột vuông kê đá tảng, mái lợp pờ lô xi măng. Cửa gỗ dán giấy đỏ, nền nhà láng xi măng. Có nhà còn lát đá hoa chả khác mấy ngoài phố.
Nơi đây xưa vốn heo hút, không bóng người. Người già kể trước năm bốn lăm ông Đội Bình đưa người về đây lyuện quân. Những đội Việt Minh vũ trang đầu tiên từ nơi này được thành lập. Khi ấy nơi này còn gọi là Khuổi Mu, chỉ thưa thớt vài nhà người Dao ở trong khe sâu. Ban ngày mùa nóng lợn rừng hàng đàn về quanh suối đằm, làm náo động cả khu rừng già yên tĩnh. Chúng ít gặp người nên không biết sợ là gì. Có người xuống suối bắt tôm hay tắm, chúng thản nhiên như không. Cái tên Khuổi Mu bắt đầu bằng cái “tích” như vậy.
Đúng là đất lành chim đậu. Sau năm chạy giặc biên giới về một số người H’mông định cư ở đây. Rồi thêm họ hàng anh em, bản đông dần.  Họ dựng nhà dưới tán lá rừng phách đại ngàn. Bướm bay dập rờn bên bờ suối. Nhấp nháy như những bông hoa di động quanh các lèn đá cao. Cuối xuân, hoa phách nở tim tím một vùng. Hương hoa ngan ngát. Từng bầy ong tíu tít trên cao, thoang thoảng mùi mật ong quyến rũ. Đáng nhớ nhất là những người bạn H’mông một thủa. Họ lành hiền chất phác, không điêu, dối, ganh tị hay biết ghen tức là gì. Seo Gà là một trông số bạn đấy của tôi.
Đã hẹn cậu ta rồi tôi phải giữ lời. Người H’mông sai hẹn một lần là lần sau khó nói chuyện. Dù sao cũng từng chia ngọt sẻ bùi những ngày tháng khó khăn, tôi quên làm sao được?
Ngày trước lên được Lũng Quân từ chỗ tôi phải mất một ngày. Đi từ sớm tinh mơ đến nham nhám chiều mới tới nơi. Bữa trưa phải ăn cơm nắm dọc đường, nghỉ một lúc mới đi tiếp. Bây giờ chưa đến một giờ xe chạy. Tôi vào Lũng Quân đúng lúc một phân hiệu của trường cấp một bắt đầu vào lớp. Mùa này thường có giá rét, nên lớp học hơi muộn so với thời gian khác của năm học. Lớp học này là điều đầu tiên khiến tôi chú ý. Nó mới được xây dựng mấy năm trở lại đây vì mái tôn hãy còn khá mới. Mươi năm trước không ai nghĩ lại có lớp học ở nơi heo hút này. Nhà có điều kiện cho con ăn học phải gửi con ngoài trung tâm xã. Học sinh tiểu học không thể vượt suối, đi bộ hàng chục cây để tới trường. Đúng là có điện có đường, bản làng thay đổi nhanh tới mức không ngờ. Dọc đường quãng quãng lại có quán bán đủ thứ hàng. Từ nông cụ cày bừa, đồ ăn, thức đựng đến quần áo vải vóc.. Chả thiếu thứ gì. Có cả sim thẻ “vi na phôn”, “Việt ten” bán cho người có nhu cầu. Cần gì phải ra đến ngoài đường? Trẻ con thả trâu trên đồi cỏ điện thoại mỗi đứa một cái, nhạc chờ, gọi nhau inh ỏi.
Tôi như lạc vào một thế giới khác, hồn nhiên, trong trẻo, thanh tịnh đến lạ lùng. Những lo lắng của những ngày cuối năm như quên đâu mất.

Hôm nay là ngày ba mươi tháng một. Bản Lũng Quân thơm lừng mùi xôi nếp. Tiếng chày đôi giã bánh như bè nhạc trầm rậm rựt, râm ran. Nhà nào cũng thấy phơi váy áo mới sặc sỡ trước nhà để ngày mai đón năm mới, đi chơi hội, đi thăm bà con, bạn bè. Đi hội ném Pao, đánh cầu hay đi hát đối. Tết đến bản làng như ngày hội thi của màu sắc và âm thanh.
Một cậu bé chỉ cho tôi nhà của Seo Gà. Cậu ta mới dựng nhà chỗ khác nên tôi phải hỏi thăm. Seo gà đang tay cầm chổi lá nứa hãy còn xanh quét dọn dưới bếp. Miệng lầm rầm khấn vái: “ Năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, quét cho hết các bệnh tật ốm đau. Không quét tâm hồn của con cháu trong nhà. Cầu cho cái xấu đi hết, đón cái may mắn về nhà..”
Bên mấy nhà hàng xóm cũng vậy. Sửa soạn đón năm mới, nhà nào cũng dọn dẹp sửa sang nhà bếp trước, sau mới lên nhà trên. Việc cuối cùng quan trọng nhất là thay bàn thờ mới, treo lịch và tranh ảnh. Đối với người mông nhà bếp bao giờ cũng là nơi được coi trọng. Trong suốt dịp tết, lửa trong bếp phải đỏ cả ngày lẫn đêm. Người ta kiêng không để tắt lửa. Nếu lửa tắt là điềm không hay. Lỡ lửa tắt cũng không được thổi, sợ gió bão vào nhà.
Seo Gà bảo: “ Mời anh cứ vào nhà, có nước nhân trần đấy uống cho nó mát”. Tôi nhìn thấy góc nhà từng bó nhân trần xếp cao, được che đậy bằng cái bạt rộng. Nếu để nhà uống chả cần nhiều như thế này. Vợ Seo Gà bảo để sang đầu mùa nóng bán cho người dưới xuôi lên. Ngoài nhân trần còn lá vối, thứ lá một thời dưới quê tôi quen thuộc có vị ngăm ngăm đắng, lại hơi ngòn ngọt. Bây giờ vừa là thứ nước giải khát, giải cảm và cả giải độc. Nhiều nơi bán khá đắt.
Không ngờ anh bạn người H’mông của tôi lại có thêm chiêu độc này. Vạt đất cạnh suối gần nhà trồng một dãy cây vối đã cao hơn đầu người. Còn nhân trần có lẽ trồng trên đám nương sau nhà. Cây thu hoạch rồi, đám đất ấy bây giờ đang xen ngô vụ đông. Chỉ tính lợi nhuận từ hai thứ cây đặc sản này, gia đình vợ chồng Seo gà thu đã khẳm tiền rồi. Chưa nói đến ngô lúa hay đàn lợn cỏ người thành phố hay gọi là “lợn tên lửa”. Người H’mông bây giờ đã biết làm ra hàng hóa, không “tự sản tự tiêu” như trước đây. Những ngôi nhà ẩm thấp xiêu vẹo ngày nào không còn bóng dáng. Dân làng đua nhau làm ăn. Đua nhau tìm cái hay để học.
Thấy tôi ngẩn ngơ nhìn đàn lợn cỏ của mình, Seo gà bảo:
- Đợi đứa em về, hôm nay mình chơi hẳn “quả tên lửa”. Mỗi nhà một con, không phải chung nhau như mấy năm trước!
Ở thành phố nhà nào chơi sang, cố lắm mới có lợn “tên lửa” để ăn tết. Anh nào kha khá cũng chỉ nhờ mua được dăm ba cân. Ở bản Lũng quân này mỗi nhà một con. Gà thì không cần bận tâm. Toàn gà đồi thích chọn con nào tùy ý.
Tôi có anh bạn chuyên “sưu tầm văn hóa dân tộc”. Có lần anh nói chuyện, người H’mông ăn tết có phần sơ sài. Có lẽ anh ấy nhầm. Ở đâu hay lúc nào đấy thì không biết, chứ ở Lũng Quân này không phải. Chuẩn bị tết nhất như nhà Seo Gà hay dân bản đây đâu có thua kém gì các dân tộc khác?
Chưa kể đến ngày tết ở đây còn như ngày hội. Người bản Lũng quân quan niệm rằng tết
năm nào có đông khách chơi nhà đó là điềm may mắn, làm ăn thuận lợi, ít ốm đau. Nên quý khách lắm.
Seo Gà bảo tối nay sau buổi cúng tất niên, cơm rượu xong, dân làng sẽ tụ tập về bãi cỏ trước nhà anh. Sẽ có hát đối đáp giao duyên, trai bản thổi  khèn, ném páo dung.. chơi vui cho tới gần sáng. Giữa bãi cỏ đã thấy một đống củi chụm chất cao. Mấy đứa trẻ đang cùng nhau đá cầu, reo hò ầm ĩ bên mấy con ngựa thong thả ve vẩy đuôi dài.

Tối nay, trong cuộc rượu thể nào ông già Thào Su chả kể câu chuyện về ông vua nhân đức của dân tộc mình thời cổ. Ngài Si Viu. Một ông vua hiền lành nhân hậu, hay thương và tin người. Tin đến nỗi biên giới quốc gia xuê xoa lấy cây ngô mọc trên đất làm ranh giới. Khi cây ngô mục, kẻ tham bên kia trồng cây ngô khác lấn sang đất mình. Lấn mãi, lấn mãi, người H’mông không còn đất ở, đành du canh du cư..
Hình như ông muốn truyền cho con cháu bài học xương máu về giữ đất, giữ nhà.. Sau đó, mỗi người tay sẽ cầm bó đuốc ra bãi cỏ, nơi ngày đầu cách mạng ông Đội Bình hội quân..
Tôi hình dung khi lửa trại sáng lên. Những khuôn mặt các chàng trai cô gái ửng hồng. Váy áo sặc sỡ khoe màu. Ánh mắt chứa chan niềm yêu. Mà thấy lòng mình ấm lên!
Đã lâu lắm mới lại có được ngày vui như vậy. Cảm ơn Seo Gà rất nhiều!

H.G
Xuân 2012

Không có nhận xét nào: