Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

VỀ MỘT NGƯỜI BẠN


Năm đó là năm tôi có nhiều chuyện vui. Năm nhà thơ Phạm Tiến Duật còn sống, ông đang là tổng biên tập tạp chí “Diễn đàn văn nghệ Việt Nam ”. Người ta mời ông lên dự trại sáng tác của chúng tôi. Đợt đó khá đông các tác giả của hai đầu đất nước. Các nhà văn sáu tỉnh miền núi phía bắc và đồng bằng sông Cửu Long. Cũng là năm một truyện ngắn có chút “gai góc” của tôi đã gửi nhiều nơi không được đăng, Nhờ Nhà thơ, nó được đăng trang nhất tạp trí nói trên. Sau này còn được nhắc tới nhiều lần ở các trại sáng tác do liên hiệp tổ chức và được chọn in trong tuyển tập vào năm sau.

Trại sáng tác thuê lại Khách sạn công đoàn tỉnh. Một ngôi nhà xây theo kiểu Nga đang trong thời kỳ tu sửa lại. Phòng ốc rộng rãi, nhưng thiết bị cũ và hơi bị sơ sài. Bên cạnh là những căn nhà đang tháo dỡ, coppha, cây chống vương khắp nơi, cát sỏi đổ từng đống. Được mỗi cái nằm kề sát bờ con sông nổi tiếng, gần trung tâm thành phố..

Phải nói dài dòng như thế để nhớ lại bối cảnh tôi gặp V như thế nào. Người mà tôi sẽ kể câu chuyện dưới đây.

Thực ra lúc đó tôi không chú ý lắm đến anh. Thậm chí còn cảm thấy khó chịu vì một chuyện không đâu vào đâu.

Lúc đó vừa mới hết đông, nhưng vẫn lạnh kinh người.

Theo chương trình, ngoài việc hội thảo, trao đổi sáng tác, nghe nói chuyện, còn có những chuyến đi thâm nhập thực tế và một chuyến đi theo ý muốn.

Tôi và một số chủ trương ra Hải Phòng một chuyến vì đã lâu chưa về lại thành phố này. Cuộc sống nay đây mai đó, thú thực tôi đi cũng khá nhiều nơi. Không hiểu sao hàng chục năm rồi chưa về Hải Phòng?

Dự định là thế, bỗng dưng bị thay đổi. V và một người bạn ở gần phòng tôi đề xuất tổ chức đi thăm cao nguyên đá Đồng Văn. Xin bạn nhớ rằng năm đó cao nguyên đá này chưa được biết đến như là “Công Viên đá được UNETCO công nhận là di sản văn hóa thế giới”. Nó vẫn là nơi nhiều người thờ ơ, ít chú ý tới. Nhất là khi thời tiết lạnh, có mưa phùn, trơn trượt như thế này. Tôi hình dung ra đó là nơi mù mịt sương, giá buốt và vắng vẻ. Có gì mà thăm nom? Người bạn nọ đang là BTV tạp chí tỉnh Hà Giang. Anh muốn có bạn bè lên chơi để quảng bá quê hương mình, cái khác lạ của Hà Giang với những người bạn phía nam. ( Xin nói thêm có một nàng thơ rất xinh đẹp, tính tình cởi mở và giàu tình cảm rất thân với anh).

Thực lòng mà nói, ngoài ý định muốn thăm Hải Phòng một chuyến, tôi còn mối lo khác. Không hẳn ngại rét mướt. Tôi nhiều năm sống ở biên giới Cao Bằng, Lạng sơn từng trải qua những mùa đông băng tuyết thì cái lạnh giá của Hà Giang chẳng là gì. Nhưng lên Hà Giang mùa sương mù che phủ, mưa phùn như thế này là điều phải cân nhắc. Về phương tiện không nói làm gì, hội văn nghệ sẵn sàng cho mượn xe, nhưng tầm nhìn hạn chế trên đường đi mới là cái đáng phải xem xét lại.

Một phần người ta giao cho tôi việc đi lại, ăn ở của cả lớp, nếu xảy ra điều gì thật không hay..

Bàn đi tính lại, V, anh bạn Hà Giang và mấy cô nàng Sông Cửu Long nhất quyết muốn đi, tôi đành chiều theo ý họ, hoãn chuyến Hải Phòng của mình để họ toại nguyện.

Phần mình tôi ở lại, tranh thủ về qua nhà.

Thật may chuyến đó không xảy ra việc gì.

Nhà thơ Hồ Thanh Điền lại có được bài thơ nổi tiếng về cao nguyên đá.

Tôi thấy mình thật không phải khi bàn lùi và không tham gia.

Nếu chỉ có vậy, chuyện chẳng có gì đáng nói. Và không cần nhắc lại. Những việc như thế này đã xảy ra nhiều lần, tuy tình tiết không giống nhau vẫn là chuyện thường năm. Người ta bảo dân văn nghệ ở xa thì quý nhau, ở gần lâu ngày không hay lắm. Mỗi người một tính, một nết và thường rất cực đoan, tính cách không ai giống ai, thật khó chiều lòng.

Trước lúc có chuyến đi đó, tôi và hắn rất quý nhau. Tôi có phần nể tài năng của hắn vì đã đọc những truyện ngắn, bút ký của hắn in trên báo Văn nghệ. Phải nói hắn viết sắc sảo, có cái bạo gan, can đảm của người cầm bút, không viết tròn trịa, phân miêng một chiều như phần đông những cây bút khác. Cách viết của hắn cũng khác hẳn, có phát hiện và dám nêu vấn đề..

Hắn hay rủ tôi đi chơi chỗ nọ chỗ kia ngoài giờ làm việc. Buổi tối chúng tôi rủ nhau ra Caphe rất tâm đầu ý hợp.

Tôi còn phát hiện hình như hắn phải lòng một cô nàng cùng lớp. Người này đã có chồng con rất đàng hoàng.

Hắn hay nêu vấn đề “Hôn nhân và gia đình” ra để tranh luận.

Người ta có quyền yêu không khi đã có vợ có chồng? Và quan hệ ngoài hôn nhân là đúng hay sai?

Tuy chưa hẳn đồng tình với hắn, chừng mực nào đó, tôi thấy hắn có lý.

Lẽ nào khi người ta có vợ có chồng rồi, gặp người tri kỷ lại không được có quan hệ tình cảm?

Đó là hạn chế lịch sử, phong tục tập quán của người Á đông hay phạm trù đạo đức?

Có người bảo rằng : Đa số văn nghệ sĩ đa tình vì Hoocmon sinh sản trội hơn người bình thường.

Tôi thì không tin lắm vào chuyện này, nhưng quả thực trong số những người tôi gặp có biểu hiện đó.

Đấy là khả năng hay là một kiểu “bệnh” thì tôi còn rất phân vân?

Việc hắn có quan hệ đó biết là biết vậy, tôi làm như không biết gì. Đó là việc riêng của hắn, tôi hơi sức đâu mà quan tâm?

Ác thay, hắn lại không hiểu. Hắn làm như tôi cố tình gây trở ngại, không muốn có chuyến đi Đồng Văn vì có cả người kia cùng đi!

Đi Đồng Văn về, hắn ra mặt không ưa tôi.

Suốt những ngày còn lại chúng tôi không gặp riêng nhau, không nói với nhau nửa lời. Hôm bế mạc, chụp ảnh chung chúng tôi cũng đứng cách xa nhau.

Mãi sau này tôi mới biết trong con người V có dòng máu của người xứ Quảng, yêu ghét rõ ràng. Ba hắn là bộ đội miền nam tập kết ra bắc năm 1954. Hắn mang trong người dòng máu của ông, có cái hào phóng bạo dạn của người vùng biển, cái cực đoan của xứ Quảng mà người ta bảo “Quảng Nam hay cãi..”.

Năm sau tôi lên Sơn La, lại ở nhà khách công đoàn ( Có thể nhà khách công đoàn giá thuê phòng rẻ hơn?). Tôi có hỏi thăm hắn, người ta bảo hắn đã chuyển lên Lai Châu rồi, hắn không còn làm ở HVN tỉnh này nữa. Từ đó chúng tôi biền biệt, không hay tin gì về nhau..

Cuối năm ngoái, tình cờ tôi gặp lại hắn. Không phải gặp ngoài đời, mà là trên mạng Intenet, hắn có một blog với cái tên ngồ ngộ.. Không biết có bạn nào chú ý đến và đọc chưa?

( Còn nữa..)


Không có nhận xét nào: